Nhiều tập đoàn hàng đầu Na Uy muốn đầu tư lớn ở Việt Nam

Linh Nga 26/05/2019 00:00

Những "ông lớn" Na Uy như Jotun, Kongsberg Group, Pharmaq, Scatec Solar đang mong muốn đầu tư những dự án hàng trăm triệu USD tại Việt Nam.

Một dự án điện mặt trời củaScatec Solar. Ảnh:Scatec Solar.

Một dự án điện mặt trời củaScatec Solar. Ảnh:Scatec Solar.

Ông Raymond Karlsen - CEO Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy), cho biết vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 24/5 nhân chuyến thăm chính thức Na Uy của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Đại diện Scatec Solar cho biết khoản đầu tư 500 triệu USD nàyvào dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời với công nghệ mới nhất. Tập đoàn này khẳng định triển khai ngay thỏa thuận hợp với đối tác Việt Nam.

Ông Raymond Karlsen nói và đánh giá Việt Nam hiện là một trong những nước đi đầu trong xu hướng sử dụng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.

Scatec Solarbày tỏ mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm để hỗ trợ cho Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo ra khu vực. ÔngScatec Solarhy vọng Việt Nam sẽ có chính sách mới ưu đãi về thuế cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Scatec Solar là nhà sản xuất năng lượng mặt trời có trụ sở tạiOslo, Na Uy và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Oslo với mã giao dịch: SSO. Các nhà máy điện mặt trời của tập đoàn này có tổng công suất 1GW, đặt ở nhiều nước trên thế giới như Argentina, Brazil, Cộng hòa Séc, Ai Cập, Honduras, Jordan, Malaysia, Mozambique, Rwanda, Nam Phi và Ukraine.

Ông Morten Foyn - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất sơn Jotun cho biết, hiện tập đoàn đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy nữa ở phía Nam TP. HCM trong vòng hai năm tới với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. 

Jotun bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 25 năm trước vào năm 1997 với nhà máy sơn ở Bình Dương, hoạt động hiệu quả với tổng doanh thu 120 triệu USD.

Ông Geir Haoy - CEO của Kongsberg Group nhìn nhận, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với mức tăng trưởng nhanh, ổn định. Doanh nhân này bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy công nghệ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề cá, hợp tác kinh tế biển.

Ông Geir Haoy cho rằng có nhiều cơ hội rất lớn đến từ đại dương nơi 95% năng lượng sinh khối được sinh ra và đóng góp vào năng lượng tái tạo trong tương lai. Hiện nay, chúng ta mới sử dụng 2% sinh khối đến từ đại dương, do đó, đây là dư địa mà cả Việt Nam và Na Uy có thể khai thác. 

Ông Morten Nordstad - Chủ tịch Pharmaq, tập đoàn hàng đầu thế giới về sức khỏe cá và vaccine, chuyên hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản thì cho biết, kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp này là sản xuất thêm nhiều vaccine cho cá tra, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho đội ngũ, kỹ thuật viên Việt Nam cũng như triển khai thêm phòng thí nghiệm chẩn đoán mới cho thủy sản của Việt Nam.

Pharmaq hiện có hai văn phòng nghiên cứu và phát triển, một ở Oslo và văn phòng thứ hai là ở Việt Nam. Mùa thu năm ngoái, vaccine thứ hai của Pharmaq đã được Việt Nam cấp phép và 18 triệu con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiêm vaccine của tập đoàn.

Linh Nga