Ngành dược lại "dậy sóng" M&A?
Tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài khiến cho các doanh nghiệp dược Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ EU, Nhật...
Sau hai năm trì hoãn, Tập đoàn Dược phẩm Việt Nam (Vinapharm) đang chuẩn bị bán cổ phần để thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Trong năm 2019 Bộ Y tế dự kiến sẽ thoái vốn 35% cổ phần và sẽ thoái tiếp 30% tiếp theo vào năm 2020.
Mảnh đất “màu mỡ”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thoái vốn tại Vinapharm được cho là bệ đỡ để các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam vốn được xem là mảnh đất “màu mỡ”.
Cụ thể, bà Michal Jacob, người đứng đầu bộ phận chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống tại KPMG Việt Nam nhận định: "Quyết định thoái vốn của Bộ Y tế với tỷ lệ 35% trong năm nay và dự kiến là 30% trong năm 2020, chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược và có tiềm lực tài chính đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam".
Theo đó, Vinapharm là một trong những doanh nghiệp dược phẩm có vị trí chiến lược trên thị trường, với mạng lưới phân phối mạnh mẽ. Đây là một trong số ít các công ty dược phẩm thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đóng vai trò "xương sống" trong phát triển của ngành dược phẩm" bà Michal Jacob cho biết thêm.
Ngoài ra, bản thân Vinapharm là một doanh nghiệp dược có quy mô kinh doanh lớn với 23 đơn vị thành viên và các công ty liên kết. Vinapharm đã chính thức IPO vào năm 2017.
Hiện nay, Vinapharm đang có 2 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 82% vốn điều lệ, trong đó Bộ Y Tế sở hữu 65% vốn còn nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Việt Phương sở hữu 17% vốn điều lệ công ty. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, Vinapharm cũng góp vốn vào 8 công ty liên kết và 14 khoản đầu tư tài chính dài hạn với tổng giá trị 1.393 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong đó cũng là các tên tuổi đầu ngành, năng lực sản xuất - tài chính mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp như OPC, Imexpharm, Mekophar, Vidipha, TW 3, TW 25, TW 2…
Ngoài ra, sức hấp dẫn của Vinapharm trước các nhà đầu tư nước ngoài đó là việc thoái vốn toàn bộ cổ phần nhà nước sẽ là một điểm cộng với Vinapharm. Bởi việc kiểm soát cổ phần là yếu tố quyết định đối với bất kỳ nhà tài chính nào khi thực hiện khoản đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước.
Trước đó, các thương vụ M&A trong ngành dược cũng cho thấy mối quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có thể kể đến như Abbott hoàn tất việc sở hữu 51,7% vốn điều lệ Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, hay thương vụ giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Hậu Giang (DHG) và Công ty Cổ phần Traphaco. Trong khi Taisho Pharmaceutical Holdings, một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Nhật Bản, đã hoàn tất giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên hơn 50%.
Quy mô ngành có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021
Chia sẻ về một trong những giải pháp chiến lược nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, một lãnh đạo Vinapharm cho biết, công ty sẽ tập trung vào sản xuất và kinh doanh, thay vì tập trung vào đầu tư tài chính như trước đây.
Nhìn ở góc độ của nhà đầu tư, bà Michal Jacob, cho biết rằng, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng việc thực hiện Quyết định số 1232/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, phải được ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc nhà nước sẽ nỗ lực phối hợp và minh bạch để áp dụng Quyết định 1232, cũng như đảm bảo thực hiện các điều khoản và điều kiện mà nhà nước đã đưa ra trước đó.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường dược phẩm Việt Nam ghi nhận làn sóng M&A khá mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư nội và ngoại. Chẳng hạn, tại CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL), sau khi SCIC - cổ đông lớn nhất khi đó, thoái toàn bộ 36,35% vốn trong năm 2014, CTCP Ðầu tư F.I.T đã từng bước mua vào cổ phiếu DCL từ tháng 1/2015 và hiện đã sở hữu 74,61% vốn, nắm toàn quyền chi phối hoạt động kinh doanh của DCL.
Cũng trong 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ, phân phối dược phẩm thông qua M&A như Thế giới di động mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, FPT Retails mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu…
Theo nhận định của nhóm phân tích CTCK Bảo Việt, giai đoạn 2019-2020, với việc nhiều doanh nghiệp dược nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước, cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông ngoại, hoạt động M&A trong lĩnh vực dược phẩm dự báo sẽ rất sôi động.
Với dân số hơn 93 triệu người, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế của người dân Việt Nam ngày càng tăng khi thu nhập bình quân và dân trí được cải thiện.
Mặt khác, ngành dược Việt Nam đang được đánh giá cao về dư địa tăng trưởng. Cục Quản lý Dược Việt Nam dự báo, quy mô ngành có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Ðiều này giải thích vì sao các doanh nghiệp dược nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.