Nhận diện các dòng vốn FDI “lợi dụng” xuất xứ của Việt Nam
Sự xuất hiện các dòng vốn “lợi dụng” xuất xứ sản phẩm của Việt Nam để xuất khẩu nếu không cẩn thận sẽ khiến doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nguy cơ phòng vệ thương mại.
Nguy cơ này đã trở thành hiện thực khi việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố áp đặt mức thuế lên tới 265,79% đối với sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam mới đây là một ví dụ.
Điều này đặt ra câu hỏi cho bộ lọc mới, làm thế nào có thể nhận diện được dòng vốn chất lượng, không chỉ đơn thuần dựa trên quy mô dự án?
Việc doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là một điểm đến trong xu hướng chuyển dịch đầu tư của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tích cực. Song ẩn chứa trong đó, vẫn có những nhà đầu tư muốn đầu tư trong thời gian ngắn, thuê nhà xưởng xây sẵn và mục đích đầu tư để lợi dụng xuất xứ.
Điều này đã được một vị đại diện ban quản lý khu công nghiệp phía Nam chia sẻ. Theo đó, từ đầu năm địa phương này đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu đầu tư tăng đột biệt. Đáng chú ý là các nhà đầu tư này muốn thuê nhà xưởng xây sẵn thay vì thuê đất.
Ngoài ra, cũng theo vị này, trong quá trình trao đổi, làm việc không khó để nhận rằng, mục tiêu của nhà đầu tư đến đầu tư với chiến lược đầu tư dài hạn hoặc ngắn hạn. Ví như các nhà đầu tư Trung Quốc đến khảo sát có chia sẻ về mục đích muốn thuê nhà xưởng xây sẵn, thời gian hoạt động ngắn, dây chuyền sản xuất không cầu kỳ, nguyên liệu nhập khẩu từ đâu và hướng tới thị trường xuất khẩu như thế nào?
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn gian lận xuất xứ để “cứu” hàng Việt
03:03, 28/07/2019
Chặn dòng FDI nhỏ lẻ
12:00, 26/07/2019
Vốn FDI sẽ tìm đến những nhóm ngành nào?
00:30, 19/07/2019
Chiến lược và thực thi mới với FDI
06:30, 14/07/2019
Đây là ví dụ cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có thể nhận biết được xuất xứ thực và mục tiêu của nhà đầu tư. Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp, cơ quan quản lý khó có thể nhận biết được khi dòng vốn đến từ các công ty "bình phong".
Một nghiên cứu của Đại học Oxford và Đại học Sussex năm 2014 cho kết quả, có khoảng 30-50% vốn FDI toàn cầu xuất phát từ mạng lưới các công ty "bình phong".
Những tên tuổi gắn liền với các mạng lưới này, thường là các thiên đường thuế, có thể kể đến như Hà Lan, Luxembourg, tam giác Bermuda, Cayman, British Virgin Islands, Samoa, Cyprus, Hồng Kông, Singapore.
Nhìn lại danh sách các quốc gia có dòng vốn đầu tư nhiều nhất vào vào Việt Nam theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến tháng 6/2019, 4/10 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong mạng lưới đã đề cập ở trên: Singapore, Hồng Kông, British Virgin Islands và Hà Lan.
Do đó, xác định điểm khởi đầu của nguồn vốn đầu tư là một công việc không hề đơn giản, thậm chí là khó đối với cơ quan quản lý vì một số "thiên đường thuế" có luật bất thành văn là không cung cấp thông tin hồ sơ đăng ký của công ty.
Một công ty hay một nhà đầu tư vào Việt Nam có đăng ký từ Hà Lan, Pháp, Mỹ song hoàn toàn có thể có công ty mẹ từ Hong Kong hay một "thiên đường thuế" nào khác. Ví dụ như Trung Quốc, quốc gia có gần một nửa các đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ Hong Kong, vốn được coi như là một trung tâm, cũng như “hộp đen” về tài chính. Hay như công ty China Mobile của Trung Quốc có đăng ký ở Hong Kong và sở hữu hay được sở hữu bởi một công ty bình phong khác có đăng ký ở British Virgin Islands.
Trong hoạt động thu hút FDI, việc xác định công nghệ cao hay thấp, doanh nghiệp có chuyển giá hay không và công tác "hậu đầu tư" vẫn đang là những thách thức đã được các chuyên gia chỉ rõ đối với hoạt động quản lý đầu tư hiện nay.
Và đây sẽ tiếp tục là một thách thức đối với hoạt động cơ quản quản lý thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới phải lựa chọn những dòng vốn chất lượng, những nhà đầu tư thực thụ, công nghệ cao, doanh nghiệp đầu đàn?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ". Theo đề án vừa phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM; giúp DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, kể cả sáp nhập, mua lại và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Ngoài ra, đề án cũng nêu rõ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh trốn thuế. Đồng thời, rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa. |