Yếu tố quyết định thành công cho doanh nghiệp "thâm nhập" thị trường EU?
Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc xuất khẩu sang thị trường EU, song doanh nghiệp cho rằng không thể chủ quan vì còn nhiều "đối thủ" tốt hơn mình.
- Với kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp, theo bà đâu là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi xuất khẩu sang EU?
Đối với thị trường EU, theo tôi có 2 yếu tố rất quan trọng mà doanh nghiệp cần phải nắm chắc khi định hướng xuất khẩu vào thị trường EU.
Thứ nhất, là yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Phải thẳng thắn nói rằng, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với thị trường EU,
Thứ hai, uy tín của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp EU, khi lựa chọn đối tác, họ xem xét hồ sơ năng lực của doanh nghiệp rất chặt chẽ, và qua nhiều "vòng", nhiều tầng. Như khảo sát cơ sở vật chất, hệ thống nhà máy, máy móc có thể đáp ứng được yêu cầu của họ hay không, có thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao hay không? Điều kiện làm việc cho người lao động có đảm bảo không? Việc sản xuất có đảm bảo không phát thải ra môi trường...
Sau khi đã cân nhắc tất cả các yếu tố đó, doanh nghiệp EU mới quyết định hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là 2 yếu tố mà tôi cho rằng là thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua. Bởi, đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Họ gặp khó khăn về tài chính nên khó có thể đầu tư sâu, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, và cao hơn là họ chưa thể xây dựng được các nhà máy hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu.
- Việc đầu tư máy móc có ý nghĩa như thế nào trong việc "giành" được đơn hàng thưa bà?
Bên cạnh yếu tố về an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, uy tín của doanh nghiệp thì việc xây dựng được nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU giống như kiềng 3 chân vậy. Khi đã xây dựng được nhà xưởng, lắp đặt thiết bị tiêu chuẩn, mọi yêu cầu về kiểm soát an toàn thực phẩm được đảm bảo thì cơ bản doanh nghiệp đã "tốt nghiệp" được.
Hiểu được điều đó, chúng tôi đã quyết định đầu tư và xây dựng 2 nhà máy. Để đa dạng sản phẩm và thị trường, trước khi đầu tư máy móc, chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, và chấp nhận đầu tư những chuyến đi "đắt đỏ" để tham quan những nhà máy của những đối tác, để học hỏi. Tất nhiên khi quay trở về nước, chúng tôi cũng phải cân nhắc dựa trên khả năng tài chính và máy móc nào phù hợp với giai đoạn phát triển sản phẩm hiện tại mà đáp ứng được yêu cầu thị trường thì chúng tôi ưu tiên.
- Thưa bà, yếu tố này đã quyết định bao nhiêu % sự thành công của các đơn hàng xuất khẩu?
Điều này không chỉ giảm được thời gian, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo được tiêu chuẩn nhập khẩu khi hợp đồng mà hai bên đã thống nhất.
Ví dụ, nếu như trước đây, một đơn hàng người nông dân phải làm mất 15 ngày thì nay với máy móc, chỉ trong một ngày là doanh nghiệp đã hòan thành xong một mẻ hàng đó. Hay như, với các hộ dân, vì không có máy móc, thiết bị sấy tiêu chuẩn, với thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam thì các sản phẩm nông sản dễ bị mốc, đen và thối. Sản phẩm được tạo ra phải phụ thuộc vào thời tiết. Như vậy, lô hàng phải bỏ đi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà chúng tôi luôn "tâm niệm" để hoạt động được phát triển bền vững thì luôn phải làm chủ được vùng nguyên liệu. Để làm chủ được vùng nguyên liệu doanh nghiệp phải xây dựng được chuỗi cung ứng với người nông dân. Sau khi đã xây dựng được chuỗi giá trị, doanh nghiệp có cơ sở để xin chứng nhân hữu cơ của các thị trường xuất khẩu mục tiêu như EU, Mỹ, Nhật, Hàn...
Cùng với đó là việc chứng nhận các tiêu chuẩn phải đảm bảo chứng nhận quốc tế như IFS (International Food Safety). Doanh nghiệp phải đạt được tiêu chuẩn này, bởi đây là giấy thông hành để thâm nhập các thị trường khó tính bậc nhất như EU, Mỹ... và đây cũng là bằng chứng để khách hàng có thể tin tưởng doanh nghiệp.
- Xin cám ơn bà!