Thị trường cho thuê ô tô trước sức ép ngoại nhập

Linh Nga 29/08/2019 12:41

Sức ép với các doanh nghiệp cho thuê xe ở trong nước càng lớn khi có sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu của Mỹ đã nhắm đến thị trường Việt Nam.

fsd

Đơn vị này sẽ vận hành thương mại thương hiệu Hertz, Dollar và Thrifty. 

Tập đoàn Hertz, công ty cho thuê xe toàn cầu đã thông báo trở lại qua đối tác nhượng quyền mới là New City Rent A Car. 

Đây là sự quay trở lại thị trường Việt Nam của hãng này. Trước đó vào giữa năm 2012, Hertz nhượng quyền cho một doanh nghiệp về dịch vụ hàng không, giao thông và hậu cần tại Việt Nam với tư cách tổng đại lý kinh doanh. Tuy nhiên, hợp tác sau đó không triển khai vì phía Mỹ nhận định mô hình kinh doanh chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Trong lần thứ hai nhượng quyền, hãng cho thuê xe có hơn 10.000 chi nhánh trên thế giới cung cấp 3 nhóm dịch vụ chính là thuê xe tự lái, thuê xe có tài xế thông thạo ngoại ngữ và thuê xe dài hạn để giảm thiểu chi phí bảo trì, phí quản lý.

Ông Eion MacNeilln - Phó chủ tịch Hertz Châu Á Thái Bình Dương cho biết chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam với đối tác nhượng quyền là công ty New City Rent A Car. Theo đó, công ty này sẽ vận hành thương mại thương hiệu Hertz, Dollar và Thrifty. Ông cũng cho rằng Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế lẫn du lịch.

Trước đó, vào cuối năm 2018, Công ty cho thuê ôtô lớn nhất tại Mỹ Enterprise Rent-A-Car với doanh thu 22 tỉ USD/năm đã đặt chân vào Việt Nam, điểm đến đầu tiên của hãng này ở Đông Nam Á. 

Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao cả về kinh tế lẫn du lịch. Tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có tổng cộng 700.647 doanh nghiệp với 131.807 doanh nghiệp mới. Hơn nữa, Việt Nam cũng được dự đoán sẽ đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch trong năm 2020, tăng 33% so với năm 2018. Đi cùng với sự phát triển nhanh và sôi động này, nhu cầu thuê xe của doanh nghiệp ngày càng gia tăng, đồng thời, những yêu cầu về chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp cũng nhiều hơn.

Nhìn nhận về thị trường thuê xe ở Việt Nam, theo đại diện Enterprise Rent-A-Car Việt Nam, thị trường cho thuê xe Việt Nam sẽ tăng trưởng bởi hai lý do cơ bản. Thứ nhất, tăng trưởng FDI sẽ vẫn duy trì trong vòng 10 năm nữa nên lao động nước ngoài ngày càng nhiều.

Thứ hai, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh. Trong tầng lớp này, thế hệ trẻ có nhu cầu sống thay đổi. Họ không quá chú trọng mua xe sang, ở nhà rộng mà quan tâm nhiều đến chất lượng sống và trải nghiệm nên sẵn sàng thuê xe hơn.

Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới, dịch vụ thuê xe phát triển từ rất sớm và bài bản, có thương hiệu và hệ thống. Song, thời gian qua, tại Việt Nam cũng xuất hiện một vài website đặt xe nhưng chủ yếu ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Theo lẽ tất yếu, việc công ty cho thuê xe của Mỹ tham gia thị trường, đặc biệt với sự góp mặt của 2/4 công ty thuộc lĩnh vực này trên thế giới chọn nền kinh tế 96 triệu dân làm "bến đỗ" chắc chắn sẽ tạo sức ép với các doanh nghiệp cho thuê xe ở trong nước càng lớn. Bởi, song song với việc cạnh tranh này, các doanh nghiệp cho thuê xe trong nước cũng đang có những khó khăn là chưa thể thay đổi thói quen của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thuê xe, đặc biệt trong giai đoạn ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Uber đang hút người sử dụng.

Với sự gia nhập của cả doanh nghiệp nội và ngoại đã và đang tạo cho thị trường xe cho thuê cạnh tranh rất quyết liệt, do nguồn xe quá nhiều, khả năng thu hồi vốn lâu hơn, và giá thuê xe giảm đáng kể.

Song, các doanh nghiệp cho thuê xe trong nước không phải hoàn toàn không có cơ hội. Lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp nội so với hãng xe ngoại chính là việc am hiểu đầy đủ nhu cầu của khách hàng tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước có sẵn lượng khách hàng ổn định lâu dài, các doanh nghiệp cho thuê xe phần lớn liên kết với nhau để hỗ trợ, điều xe qua lại lúc cao điểm. Nếu tận dụng tốt thì sẽ cạnh tranh được với các hãng cho thuê ô tô ngoại khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Linh Nga