Thị trường Hàn Quốc mở cửa và cơ hội cho gạo Việt Nam

Linh Nga 18/01/2020 01:00

Từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.

d

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 6,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đây không phải là kết quả khả quan do khối lượng xuất khẩu tăng 4,8% nhưng giá trị thu về lại giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước đó. 

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và năm đối tác WTO về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan và thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.

Năm đối tác bao gồm: Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Buổi ký kết nằm trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.

Đồng thời, Hàn Quốc bảo đảm áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phù hợp với quy định của WTO và không gây ra tác động hạn chế nhập khẩu.

Hàn Quốc bảo đảm việc đấu thầu gạo theo cơ chế hạn ngạch thuế quan được tiến hành phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) là cơ quan đầu mối tiến hành đấu thầu hàng năm theo hình thức cạnh tranh để nhập khẩu lượng hạn ngạch riêng của Việt Nam cũng như của các nước khác được phân bổ.

Theo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), là cơ quan đầu mối tiến hành đấu thầu hằng năm theo hình thức cạnh tranh để nhập khẩu lượng hạn ngạch riêng của Việt Nam cũng như của các nước khác được phân bổ.

Để tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc từ cam kết này, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để kịp thời thông tin cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về kết quả này.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 6,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đây không phải là kết quả khả quan do khối lượng xuất khẩu tăng 4,8% nhưng giá trị thu về lại giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Từng có thời điểm, giá gạo Việt Nam xuất đi thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Lượng gạo xuất sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc sụt giảm đến 67%.

Trong thời gian qua, tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á trong năm 2019, gạo Việt Nam đã đẩy mạnh được tại các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, góp phần giảm bớt lượng suy giảm từ thị trường truyền thống là châu Á. 

Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.

Đây là bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo nhằm phát triển ổn định, bền vững ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể tìm hiểu, tham khảo thêm thông tin về thị trường Hàn Quốc, cơ chế hạn ngạch thuế quan, cơ chế đấu thầu tại trang thông tin điện tử của MAFRA: http://www.mafra.go.kr/english để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chủ động theo dõi, tham gia các đợt đấu thầu do MAFRA tổ chức.

Linh Nga