Nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm điện khí LNG tại Việt Nam

Linh Nga 23/01/2020 11:38

Trong năm 2019, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm đối với mảng nhiệt điện khí LNG Việt Nam…

sf

Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) đã ký hợp đồng EPC cho dự án Kho cảng LNG Thị Vải với tổng thầu Samsung C&T và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), và hợp đồng cung cấp LNG cho dự án NT3 & NT4 của POW xây dựng tại khu vực tỉnh Đồng Nai.

Theo nhóm phân tích CTCK MB (MBS), nhiệt điện khí tiếp tục là một trong các nguồn năng lượng chính với tỷ trong 18% trong tổng công suất điện vào năm 2030. Trong đó, khả năng tăng trưởng tập trung từ giai đoạn 2024 trở đi khi các mỏ khí mới và các cụm dự án kho cảng khí LNG được phát triển tạo tiền đề cho các nhà máy như Ô Môn III & IV, Dung Quất I, Miền Trung I & II, NT3 & NT4 và Sơn Mỹ đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn khi chưa phát triển được nguồn nguyên liệu mới, tỷ trọng của mảng nhiệt điện khí dự kiến giảm từ 15% trong 2019 còn 12% trong 2022.

Trữ lượng các mỏ khí hiện tại đang dần cạn kiệt, trong khi nỗ lực gia tăng nguồn khí phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh giá dầu bất ổn, hoạt động thăm dò khai thác bị chững lại và vấn đề tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Áp lực từ phía Trung Quốc đối với các hoạt động ngoài khơi Việt Nam, gần khu vực tranh chấp Biển Đông, dẫn đến việc tạm ngưng triển khai một số dự án. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng LNG được xem là hướng đi mới cho ngành điện khí Việt Nam.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) đã ký hợp đồng EPC cho dự án Kho cảng LNG Thị Vải với tổng thầu Samsung C&T và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), và hợp đồng cung cấp LNG cho dự án NT3 & NT4 của POW xây dựng tại khu vực tỉnh Đồng Nai. Dự án NT3 và NT4 dự kiến hoạt động lần lượt từ quý 4/2022 và quý 4/2023 nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của khu vực Đông Nam Bộ.

Tiếp theo dự án Thị Vải, trong năm 2019, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm đối với mảng nhiệt điện khí LNG Việt Nam như Korean Gas Corporation, Tokyo Gas và Marubeni Corporation, Gulf Energy Development, T&T Group và Gen X Energy, và Siemens.

Cân nhắc giữa việc phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí từ các mỏ mới như cá Voi Xanh hay Lô B Ô Môn và việc phát triển các dự án nhiệt điện khí LNG, nhóm phân tích CTCK MB  cho rằng Chính phủ sẽ có sự ưu tiên hơn đối với các dự án LNG dựa trên giá bán điện dự kiến tương đối cạnh tranh so với giá bán điện khí từ các mỏ phát triển mới và tạm tránh được các rủi ro chính trị và các khó khăn tài chính để phát triển dự án trong ngắn hạn.

Được biết, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) cũng như việc nâng cấp xây dựng Quy hoạch điện 8 tới đây, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng tỷ trọng điện khí LNG lên khoảng 20% tổng nhu cầu năng lượng tại Việt Nam từ mức trên dưới 10% hiện nay.

Theo đó, sẽ tập trung phát triển các trung tâm điện khí tại Long Sơn, Cà Ná, Bạc Liêu… Đây là đư địa lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn vào mảng điện khí.

Linh Nga