Pharmacity đón vốn quỹ và cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm

Linh Nga 03/02/2020 00:02

Pharmacity – Nhà bán lẻ Dược phẩm lớn nhất Việt Nam công bố vừa gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) - khoản đầu tiên của vòng Series C. Quỹ Mekong III...

fds

Năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, hướng đến mốc 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021.

Chuỗi dược phẩm Pharmacity vừa công bố vừa gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) - khoản đầu tiên của vòng Series C và cũng là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn này chuỗi dự kiến sử dụng nhằm phát triển mạnh trong thời gian tới.

Riêng năm 2020, Pharmacity đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, hướng đến mốc 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Tương ứng, doanh thu kỳ vọng dự tăng 230%.

Bên cạnh thành công của đợt gọi vốn Series C, cuối năm 2019, Pharmacity đã hoàn tất phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu với lượng mua vượt lượng đăng ký.

Trong năm 2019, Pharmacity đã có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu (tăng khoảng 129% so với 2018) và có sự mở rộng mạnh mẽ về hệ thống nhà thuốc của mình (Pharmacity đã mở thêm 95 cửa hàng, đạt con số 252 – tăng trưởng 61% so với năm trước).

Ngày 30/12/2019, Pharmacity cũng đã phối hợp với CTCP Bảo hiểm Bảo Long hướng đến cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế cho từng cá nhân - Pharmacity Care. Theo đại diện hai bên, đây là lần đầu tiên chuỗi nhà thuốc hợp tác với công ty bảo hiểm nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho từng cá nhân người bệnh gồm nội trú và ngoại trú. Hiện số lượng đăng ký chương trình thành viên Extracare của Pharmacity hiện đạt khoảng 2,1 triệu khách hàng.

Liên quan đến kinh doanh thuốc, đã có một số ý kiến cho rằng, thời gian tới đây là lĩnh vực cạnh tranh “khắc nghiệt” do không chỉ có những công ty trong ngành mà cả những công ty ngoài ngành như FPT Retail, Thế giới Di động cũng tham gia vào lĩnh vực dược phẩm để tìm kiếm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở lĩnh vực mới, đặc biệt khi mà những mảng kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp này đang có dấu hiệu bão hòa.

Thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2019 ước đạt quy mô 6,5 tỷ USD, theo đánh giá của Business Monitor International. Trong đó, thị trường thuốc không kê toa (OTC) ước 1,6 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là 9,5%/năm. Quy mô tiêu dùng dược phẩm hàng năm vào khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương quy mô thị trường điện thoại di động và mức độ tăng trưởng luôn ở mức hai con số.

Trong khi đó, khoản chi cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp, nhưng ở Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm.

Ngoài ra, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế và nhu cầu chi tiêu, dược phẩm, y tế, cùng giáo dục là 3 nhu cầu thiết yếu, người dân luôn sẵn sàng chi ra mức cao, khiến kỳ vọng tăng trưởng ngành còn duy trì dài hạn và tích cực hơn hẳn các ngành tiêu dùng điện thoại và điện máy.

Đó là các yếu tố được cho đã thúc đẩy những "ông lớn" như Thế giới Di động, FPT Retails... tham gia ngành dược. Hay Digital World đầu tư buôn bán phân khúc ngách trong kênh bán lẻ thuốc là thực phẩm chức năng...

Danh sách các ông lớn đua đầu tư vào bán lẻ dược phẩm còn có Vingroup, Phúc Khang... và ngoài Mekong Capital, ngay VinaCapital cũng là tổ chức quản lý quỹ ngoại tại Việt Nam tham gia đầu tư sâu ngành Dược-Y tế, SAM đầu tư vào nhà thuốc Mỹ Châu...

Không chỉ các doanh nghiệp nội, các đại gia ngoại cũng chen chân vào lĩnh vực này. Tiên phong ở thị trường này có thể thấy, nhà bán lẻ thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ Century Pharma của Indonesia. Chuỗi cửa hàng Century Healthcare đã hình thành sau khi nhà bán lẻ này mua lại chuỗi nhà thuốc Vistar, hiện các cửa hàng đang hoạt động, đặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của TP.HCM như Bitexco, Saigon Centre, Aeon Mall, Giga Mall...

Trong một thông cáo nội bộ, tập đoàn mẹ Pharos Indonesia cũng cho biết đang mở rộng sản xuất dược phẩm sang Việt Nam với nhà máy 6.000m2 đang được xây dựng tại Bình Dương. Pharos đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam vì “đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”. 

Xu thế của các chuỗi bán dược phẩm cho thấy mở rộng kênh bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sức đẹp. Một kênh quan trọng của thị trường hướng đến tiêu dùng cá nhân mà hiện đang được chiếm lĩnh bởi hai chuỗi lớn là Guardian và Medicare. Nhiều công ty cả nội lẫn ngoại đều đang đón đầu xu hướng này và đẩy mạnh kênh sản phẩm này trong chính chuỗi bán dược phẩm.

Với nguồn lực và mục tiêu cạnh tranh chủ yếu đến từ các "tay to", thị trường đầu tư chuỗi bán lẻ dược phẩm theo đó, hứa hẹn sẽ còn có tiếp tục đón vốn nóng.

Linh Nga