"Khơi thông" bế tắc cho dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc
UBND tỉnh An Giang vừa có công văn gửi đến Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đề nghị được làm Cơ quan có thẩm quyền để tái khởi động dự án BOT cầu Châu Đốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết, hàng năm, các khu du lịch tại khu vực thành phố Châu Đốc và huyện Tịnh Biên đón hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan, việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và du lịch của địa phương.
Chính vì dự án này rất quan trọng đối với địa phương, năm 2015 Bộ GTVT đã cho khởi động dự án này nhưng sau đó thì dừng lại cho đến nay. Đây là dự án quan trọng nhưng chưa được đầu tư đã làm cho nhân dân tỉnh An Giang nói chung, nhân dân thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân nói riêng hết sức bức xúc cũng như gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cử tri của tỉnh thường xuyên kiến nghị đoàn Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Trung ương để sớm thực hiện công trình này.
Theo Bộ GTVT, trong trường hợp UBND tỉnh An Giang làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc triển khai Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc sẽ có khá nhiều thuận lợi.
Cụ thể, ngoài việc chủ động điều hành, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; phát huy được nguồn lực tự có của các địa phương như khai thác quỹ đất và các ưu đãi hỗ trợ khác; xem xét, quyết định việc phương án thu phí, UBND tỉnh An Giang sẽ toàn quyền dự kiến sử dụng nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho Dự án có thể thực hiện được ngay các thủ tục cần thiết để điều chỉnh Dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.
Được biết, Dự án xây dựng cầu Châu Đốc theo hợp đồng BOT trước đây có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng. Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trải qua công tác đấu thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành công trình có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng này vào năm 2018. Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự tuyển tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, do sự điều chỉnh các quy định pháp luật mới về hình thức đối tác công tư (PPP), chi phí lãi vay của Dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo dẫn đến dự án mất khả năng thu hồi vốn, không đủ cơ sở để ngân hàng thương mại cho vay đầu tư.
Trong quá trình đàm phán, nhà đầu tư trúng thầu đề nghị nếu được Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng thì Dự án khả thi về tài chính. Việc đề xuất của nhà đầu tư trúng thầu là không khả thi vào giai đoạn này do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được phân bổ và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ.
Qua nhiều lần đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư trúng thầu các bên đã không thống nhất được phương án đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu đã đề xuất dừng công tác đàm phán hợp đồng.