"Thúc" tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Dự kiến dự án sẽ khởi công trong quý IV/2020 và hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2024...
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 11/4/2018, được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt đầu tư tại văn bản số 1300/UBQLV-NL ngày 9/9/2019 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định đầu tư tại quyết định số 383/QĐ-EVN ngày 27/9/2019.
Hiện EVN đã hoàn thành việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật (tháng 3/2020). Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được EVN trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.
Theo EVN, mục tiêu đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nhằm tăng khả năng huy động công suất thêm 480MW cho hệ thống; sản lượng điện trung bình tăng thêm 495 triệu kWh/năm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện thông qua tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn; góp phần giảm chi phí sản xuất điện của hệ thống; tăng công suất phản kháng chạy bù cho hệ thống khi có yêu cầu góp phần đảm bảo ổn định điện áp cho lưới điện 500kV.
Công trình giúp tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu...
Dự án dự kiến khởi công trong quý IV/2020 và hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2024, sẽ tăng khả năng huy động công suất thêm 480MW cho hệ thống, sản lượng điện trung bình tăng thêm 495 triệu kWh/năm..
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đến nay công tác rà phá bom mìn vật nổ đã hoàn thành. Hạng mục đường phục vụ thi công đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ khởi công dự án. Hệ thống cấp điện thi công, đang triển khai công tác trình duyệt hồ sơ mời thầu. Hạng mục xây dựng nhà ở cán bộ công nhân viên vận hành đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo tiến độ hoàn thành phù hợp với tiến độ xây dựng vận hành dự án…
Từ nay đến cuối năm, EVN phấn đấu hoàn thành công tác đàm phán, ký hợp đồng thu xếp vốn cho dự án; thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu, tối thiểu hoàn thành 50% khối lượng; phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 10/2020; hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu...
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Phạm Hồng Phương cho biết, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng ảnh hưởng đến 10 tổ chức tập thể tương ứng với 13 công trình phải di dời; 51 hộ dân trong đó có 02 hộ dân phải tái định cư thuộc phường Thái Bình (TP. Hòa Bình). Đối với phạm vi mặt bằng công trình phụ trợ - đường Lê Đại Hành phục vụ thi công dự án - ảnh hưởng đến 92 hộ dân, 4 tổ chức tương ứng với 4 công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.
Vướng mắc chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là các hộ dân thuộc phạm vi mặt bằng bãi thải dốc Cun đã đồng ý, phối hợp kiểm đếm hiện trường, nhưng đề nghị không nhận tiền bồi thường về đất để có thể tiếp tục canh tác, sản xuất sau khi công tác đổ thải hoàn thành. Đồng thời, còn có sự chồng lấn diện tích đất của một số hộ dân phường Phương Lâm với diện tích đất của Công ty Thủy điện Hòa Bình quản lý.
Việc chậm giải phóng mặt bằng dự án san nền có sử dụng vật liệu đất đổ thải của dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (san nền khu liên cơ đầm Quỳnh Lâm), dẫn tới nguy cơ không đồng bộ với tiến độ khởi công của dự án thuỷ điện Hòa Bình mở rộng.
Hiện tại, Ban QLDA Điện 1 đã thành lập Ban Điều hành Dự án tại công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng để phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công dự án.
Ông Bùi Văn Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là dự án lớn trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với EVN. Tỉnh Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, thành phố Hòa Bình triển khai ngay các công việc được giao để cùng với EVN khởi công dự án vào tháng 10/2020.
Liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, mỗi tháng, tỉnh giao ban tiến độ với các sở, ngành, địa phương 1 lần để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Công suất lắp máy: 2 x 240MW; Xây dựng mới tuyến năng lượng: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối;Sử dụng chung các hạng mục công trình hiện hữu (1.920MW): Hồ chứa, đập dâng, đập tràn...; Địa điểm: Vị trí dự án nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình thuộc phường Phương Lâm; cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Tổng diện tích sử dụng đất: 99,62 ha.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư 9.220 tỷ đồng cho thủy điện Hòa Bình mở rộng
00:24, 07/10/2019
Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ khởi công vào quý 4/2020
10:00, 27/09/2019
Thủy điện Hòa Bình: Công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu
05:54, 12/11/2018
Phó Thủ tướng phê duyệt đầu tư nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
05:19, 13/04/2018