Vì sao TP.HCM chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn với nhà đầu tư?
UBND TP.HCM vừa chấp thuận về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đối với dự án xây dựng tuyến đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao chủ trì phối hợp với các sở ngành làm việc với các đơn vị liên quan về những thủ tục để chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư, đồng thời đề xuất phương án tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án này theo quy định.
Dự án nêu trên dài 2,7km do Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) làm chủ đầu tư vào năm 2016 và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT TP.HCM - Trung Lương. Công trình này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ góp phần "chia lửa" với Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Tây qua huyện Bình Chánh vốn đang quá tải, ùn tắc triền miên, giúp người dân đi từ trung tâm TP.HCM tới cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần hơn.
Báo cáo UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết, hợp đồng BOT dự án này có thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017. Đến nay, dự án ước tính chỉ đạt 12% khối lượng xây lắp, trong khi thời gian thực hiện trong hợp đồng đã hết.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, đã nhiều lần tổ chức họp trao đổi, hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư dự án khắc phục các vi phạm hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Cụ thể, nhà đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quân đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng có văn bản nêu ý kiến không tiếp tục tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT TP.HCM - Trung Lương theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu trả nợ ngân hàng. Ngân hàng này cũng không đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới và không tiếp nhận quyền tiếp nhận dự án của bên cho bay theo hợp đồng BOT đã ký kết.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc xử lý vi phạm hợp đồng của dự án này là chưa có tiền lệ tại TP.HCM, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư. Sở cũng dự báo mức độ phức tạp còn có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng dự án; các cơ quan chức năng quan tâm đến quá trình thực hiện và xử lý hợp đồng BOT đã ký kết.
Được biết, vào tháng 4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP.HCM thực hiện dự án này theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Phó Thủ tướng cũng cho phép TP.HCM căn cứ vào tính cấp bách của dự án để quyết định hình thức chỉ định nhà đầu tư theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở GTVT, ngày 23/10/2015, UBND TP.HCM quyết định chỉ định Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) làm nhà đầu tư dự án.
Ngày 25/6/2016, UBND TP.HCM đã ký hợp đồng BOT với đại diện nhà đầu tư là bà Vũ Thị Hoan – Giám đốc Công ty Yên Khánh. Để quản lý dự án này, Công ty Yên Khánh đã lập ra Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương.
Theo hợp đồng ký kết, dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dài 2,7 km nằm trên địa phận xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM có tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng. Dù tổng mức đầu tư lớn nhưng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án, phần vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 14,8%, tương đương 230 tỷ đồng. Phần còn lại, khoảng 1.327 tỷ đồng, nhà đầu tư đi vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Để thu hồi vốn đầu tư dự án, nhà đầu tư được quyền xây dựng một trạm thu phí trên tuyến đường hoàn thành để thu phí trong vòng 17 năm 8 tháng. Dự kiến, giá vé đối với xe dưới 12 chỗ ngồi là 20.000 đồng/lượt; xe từ 12 - 30 chỗ ngồi là 30.000 đồng/lượt; 31 chỗ ngồi trở lên là 35.000 đồng/lượt; xe có trọng tải 10 - 18 tấn và container 20 feet là 60.000 đồng/lượt; xe chở hàng 18 tấn và container 40 feet trả 120.000 đồng/lượt. Hợp đồng BOT cũng cho phép giá vé dự kiến được điều chỉnh 3 năm/lần theo lộ trình.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM xin giữ lại kinh phí ủng hộ phòng dịch COVID-19 để mua vaccine
10:14, 29/06/2021
TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10
02:00, 29/06/2021
TP.HCM thông qua Nghị quyết về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025
15:37, 25/06/2021
Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết đẩy lùi dịch COVID-19
14:12, 24/06/2021
Kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng
11:00, 24/06/2021