Giá tăng "phi mã", ngành phân bón đối diện với việc thanh tra toàn diện
Tổ trưởng Tổ công tác 970, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa có văn bản gửi Tổ công tác 970 của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.
Theo ông Trần Thanh Nam, để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kiến nghị một chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và trên thế giới liên tục tăng.
Cụ thể, phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).
Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tăng 50-73%, đang làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng, hay việc đầu cơ tích trữ, tăng giá kiếm lời.
Để bình ổn giá phân bón, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị Tổ công tác 970 Bộ Công thương chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.
Lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của Nhà nước.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và thế giới liên tục tăng dần qua từng tháng và tăng cao so với thời điểm tháng 1/2021.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón tăng mạnh, cụ thể giá lưu huỳnh (S) tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, khí amoniac (NH3) tăng 220%, quặng apatit tăng 7,7%.
Cùng với đó, giá dầu tăng cao và việc thiếu container rỗng đã kéo giá cước vận tải tăng lên 3-5 lần. Do vậy, có thể giá các nguyên liệu đầu vào và giá dầu, chi phí vận chuyển tăng cao là nguyên nhân chính làm giá phân bón tăng liên tục trong thời gian qua. Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo trong tháng 8 giá phân bón vẫn tiếp tục tăng nóng, thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay.
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện vấn đề lưu thông vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) được tháo gỡ nhưng giá phân bón tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1/2021.
"Phân bón sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi. Giá vật tư có thật sự là chi phí sản xuất cao không? Ngành công thương cần có giải pháp gì? Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá? Giờ là lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải cùng nhau suy nghĩ vì lợi ích cho bà con nông dân. Chúng ta nói ủng hộ người nông dân nhưng giá cả tăng ào ào thì nông dân sao chịu nổi", Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Trần Thanh Nam đặt hàng loạt câu hỏi.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2021 các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài 667.000 tấn phân bón, tăng tới 44,7% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Giới chuyên môn cho rằng, giá phân bón tại thị trường Việt Nam hiện nay đang có những điều bất thường. Đơn cử như giá phân bón urê của Đạm Phú Mỹ lại cao hơn phân bón urê của Đạm Cà Mau, trong khi cùng nguồn nguyên liệu sản xuất, cùng thụ hưởng chính sách như nhau. Điều này là bất hợp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ vấn đề này.
“Người nông dân chấp nhận giá phân bón tăng trong bối cảnh nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy tăng. Tuy nhiên, phải hợp lý vì giá phân bón tại thị trường Việt Nam đang tăng “bất thường” so với mặt bằng giá phân bón thế giới”, một chuyên gia cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao chưa tạm dừng xuất khẩu khi giá phân bón vẫn tăng cao?
11:00, 13/07/2021
Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp ngành phân bón hưởng lợi
05:00, 04/07/2021
Linh hoạt thuế để “hạ nhiệt” giá phân bón
02:00, 04/07/2021
Giá phân bón thế giới lại tiếp tục tăng “nóng”
03:00, 28/06/2021
Giá phân bón sẽ ra sao khi áp thuế VAT 5%?
02:40, 07/11/2020