Giá phân bón tăng cao không do chênh lệch cung-cầu

NGUYỄN VIỆT 11/08/2021 18:16

Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng cao là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định tại Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đồng chủ trì, ngày 11/8.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Nhấn mạnh lại nguyên nhân tăng giá phân bón thời gian qua là do chi phí sản xuất, ông Chuyên cho rằng nguồn cung không thiếu so với nhu cầu, Vinachem sản xuất 90% phân lân chế biến, tiêu thụ 440.000 tấn, tăng 26,2%, URE công suất là chiếm 40% cả nước, sản xuất 457.000 tấn, tăng hơn 20%; DAP công suất chiếm 100%, sản xuất 357.000 tấn, tăng 97%; NPK 965%, tăng 65%… tổng lượng là 2 triệu tấn đều có mức tăng cao so với năm 2020.

Tăng do chi phí sản xuất 

Khi quý I/2021 có biến động tăng giá, Tập đoàn đã chủ động làm việc với doanh nghiệp trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu phục vụ tối đa cho trong nước.

“Nếu nói giá phân bón tăng do bấp cập cung-cầu là không đúng. Mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch COVID-19”, ông Chuyên nói.

Còn theo ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Thông tin về việc giá phân bón tăng trong thời qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau thời gian tăng giá kỷ lục vào cuối năm 2018, giá phân bón đã liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7/2020. Từ tháng 7 năm 2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây.

Nêu nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh cho rằng, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.

Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc ... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh.

Kết hợp với chính sách nưới lỏng tiền tệ và tài khóa trên toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi ... đều chứng kiến mức tăng giá rất mạnh.

Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

“Như vậy có thể nói thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành một mặt bằng giá mới. Cùng với đó là sự tăng giá của các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải trong nước và thế giới, đặc biệt là cước tàu biển…”, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Bổ sung thêm về tình hình sản xuất phân bón trong nước, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng trong những năm gần đây.

Thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy công suất sản xuất  gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.

Trong 7 tháng đầu năm, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, chúng ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.

Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng, do đó không có sự chênh lệch cung-cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao”, ông Trung khẳng định.

Về phía các Sở, ngành, đại diện Sở Công Thương An Giang thông tin, tình hình giãn cách đã ảnh hưởng đến khâu phân phối lưu thông sản phẩm phân bón trên địa bàn, nhất là trong thời kỳ đầu, khi phân bón không được xem là mặt hàng thiết yếu, nên giá thành lưu kho bãi, vận chuyển tăng, kéo theo giá phân bón tăng cao.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cũng chia sẻ, giá phân bón tăng quá nhanh, như giá URE tăng lên 11.000 đồng/kg. Trên địa bàn tỉnh chưa có hiện tượng đầu cơ và thiếu nguồn cung ứng, tuy nhiên đại diện tỉnh An Giang cũng mong muốn, các đơn vị chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân, lý do, đẩy giá phân bón tăng cao.

Đề nghị 5 giải pháp

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, toàn bộ ngành sản xuất phân bón trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã nhận thức được tác động của việc tăng giá phân bón.

Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh

Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh.

Do vậy, ngay từ quý I/2021, liên Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước. Trên thực thế, xuất khẩu phân bón đã giảm trong những tháng qua.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng.

Việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế càng khó khả thi. Mặc dù vây, hai ngành Công Thương và Nông nghiệp sẽ cố gắng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân. Theo đó, các giải pháp được đưa ra bao gồm.

Thứ nhất, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ phân bón cho thị trường.

Hợp lý hóa chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Xuất khẩu là quyền của doanh nghiệp nhưng chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp dừng xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ.

Thứ hai, ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.

Thứ ba, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động làm việc với các kênh phân phối để chủ động có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông-Xuân sắp tới.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. 

Thứ tư, đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

Thứ năm, liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các nhà sản xuất phân bón DAP và MAP cũng như các đơn vị kinh doanh nhập khẩu và sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá tăng

    Giá tăng "phi mã", ngành phân bón đối diện với việc thanh tra toàn diện

    11:00, 10/08/2021

  • Cần tháo gỡ nguyên liệu đầu vào cho phân bón

    Cần tháo gỡ nguyên liệu đầu vào cho phân bón

    02:00, 07/08/2021

  • Phạt gần 400 triệu đồng vì bán phân bón sai quy chuẩn

    Phạt gần 400 triệu đồng vì bán phân bón sai quy chuẩn

    11:00, 03/08/2021

  • Vì sao chưa tạm dừng xuất khẩu khi giá phân bón vẫn tăng cao?

    Vì sao chưa tạm dừng xuất khẩu khi giá phân bón vẫn tăng cao?

    11:00, 13/07/2021

  • Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp ngành phân bón hưởng lợi

    Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp ngành phân bón hưởng lợi

    05:00, 04/07/2021

  • Linh hoạt thuế để “hạ nhiệt” giá phân bón

    Linh hoạt thuế để “hạ nhiệt” giá phân bón

    02:00, 04/07/2021

NGUYỄN VIỆT