Cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Bắc Ninh sẽ là cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cùng Công ty Amkor Technology, Inc. (Amkor) ký kết thoả thuận phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C.
Dự án có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD với diện tích khoảng 23ha. Trong đó, giai đoạn đầu của dự án đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đây sẽ là nhà máy thông minh, hiện đại tại tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các Công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Ông JONGRIP JI - Chủ tịch Công ty Amkor nhấn mạnh, qua tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh, ông rất ấn tượng bởi sự siêng năng, đam mê nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi và bản lĩnh, sự cần cù, linh hoạt của con người Bắc Ninh. Đặc biệt sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng với cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào là nền tảng để công ty lựa chọn đầu tư tại tỉnh.
Ông JONGRIP JI cam kết nỗ lực hết mình để tạo nên thành công của ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh bằng việc xây dựng thành công nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh trong suốt giai đoạn đầu tư, để dự án phát triển ổn định, sản xuất lâu dài tại tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, các mục tiêu đặt ra của công ty phù hợp với định hướng của tỉnh Bắc Ninh trong việc ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư theo tiêu chí "2 ít, 3 cao", đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, mong muốn với những đối tác khách hàng nổi tiếng, những sản phẩm được sản xuất tại Bắc Ninh sẽ được xuất hiện trên thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngay sau Lễ ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cũng đề nghị Công ty Amkor và các Sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai các nội dung thoả thuận để dự án sớm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tỉnh Bắc Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án sớm đi vào hoạt động tại tỉnh, đảm bảo theo tiến độ của công ty đề ra.
Từ nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực bán dẫn ngày càng trở nên sôi động và trở thành lĩnh vực nhận được nhiều sự ưu ái. Nhất là khi các ngành sản xuất đang có xu hướng phát triển chậm lại do khan hiếm nguồn cung vi mạch như hiện nay, việc Amkor “rót” 1,6 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh chính là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi, Công ty Amkor là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới. Đây cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch, hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các công ty bán dẫn, xưởng đúc và OEM điện tử hàng đầu thế giới.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Tiêu biểu là một số chính sách như Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”. Đặc biệt, Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định và chỉ rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên đến nay công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Vậy nên để phát triển được công nghiệp bán dẫn, Việt Nam còn phải đi cả một chặng đường dài.
Theo nghiên cứu thị trường mới công bố của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% trong giai đoạn năm 2021 – 2025.
Hiện nay, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang phát triển cũng liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được biết đến là một thị trường mới nổi ở khu vực châu Á.
Sự gia tăng về lượng cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua.
Trước Amkor, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã đầu tư thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) đã được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
Hay hãng SNST & Finger Vina của Hàn Quốc đã đầu tư 1 triệu USD để mở xưởng thiết kế vi mạch điện tử tích hợp tại SHTP. Nhà máy của hãng này đã hoạt động từ quý I/2021.
Có thể bạn quan tâm