Mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025: Tập trung phát triển hộ kinh doanh
Hiện nay Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với 8 triệu lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một môi trường pháp lý phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 11/11.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước trên thực tế không đạt được.
Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cần những giải pháp căn cơ. Trước hết, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào các chính sách đã được quy định trong luật để triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới và có thể hoạt động được. Theo Bộ trưởng, phải tạo được niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp, tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, những chương trình đang triển khai như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định 57 hoặc đầu tư trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao… cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, một trong những điều kiện để thực hiện mục tiêu này là tập trung phát triển hộ kinh doanh. Hiện Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với 8 triệu lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một môi trường pháp lý phù hợp.
Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề xuất bổ sung vào Luật Doanh nghiệp, nhưng Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng. Theo đó, thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ, xây dựng một luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, trình cấp có thẩm quyền thông qua để phát huy tiềm năng, lợi thế của các hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh "lớn lên" thành doanh nghiệp.
Về đề xuất xây dựng luật liên quan đến công nghiêp hỗ trợ, Bộ trưởng khẳng định: "Quan điểm của tôi rất ủng hộ".
Bộ trưởng lý giải: “Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có nền công nghiệp thực thụ. Và muốn có nền công nghiệp thực thụ phải phát triển công nghiệp phụ trợ, phải có một bộ luật riêng quy định các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ”.
Theo Bộ trưởng, “chúng ta chỉ gia công, lắp ráp thì giá trị gia tăng rất thấp. Chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm là phải có luật riêng và phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chính là để thúc đẩy cả khu vực kinh tế trong nước, là để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Có thể bạn quan tâm
Chương trình phục hồi kinh tế cần có quy mô đủ lớn
16:05, 11/11/2021
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải việc giải ngân đầu tư công thấp
16:29, 11/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: COVID-19 làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
16:48, 11/11/2021
COVID-19 khiến nhiều giáo viên bỏ việc, học sinh áp lực
10:08, 11/11/2021
Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhất của COVID-19
09:05, 11/11/2021