Tăng tốc đầu tư công

LINH NGA 01/12/2021 11:00

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công.

>>Đầu tư công: “Cú đấm” kích cầu phục hồi kinh tế

dgf

Vẫn còn 1 lượng vốn khá lớn cần giải ngân trong năm 2021.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 10/2021. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước tính đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9%; bao gồm: vốn trung ương quản lý 8 nghìn tỷ đồng, giảm 18,8%; vốn địa phương quản lý 40,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 78,7% và tăng 32,7%). Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 304,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch năm và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 203,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020…

Xét theo địa phương, tính cả tháng 11/2021 và lũy kế 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 của Hà Nội đạt 4,53 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, con số này là 36,9 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong tháng 11, ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý của TP Hồ Chí Minh là 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,5 lần so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng là 17,7 nghìn tỷ đồng.

7 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, có 7 bộ và 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cho đến thời điểm này. Đơn cử như: Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,04%); Văn phòng Quốc hội (gần 90%); Ngân hàng Phát triển (85,39%); Hải Dương (84,46%); Thanh Hóa (84,44%), Hà Tĩnh (83,3%); Bộ Tài chính (trên 80%).

Tính theo năm ngân sách thì chỉ còn 2 tháng nữa để giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021, trong khi đó vẫn còn 1 lượng vốn khá lớn cần giải ngân (166.711 tỷ đồng - theo kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng).

Ngoài các giải pháp đưa ra tại các chỉ thị, công điện, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư công có tăng, nhưng vẫn chậm

Giải ngân vốn đầu tư công có tăng, nhưng vẫn chậm.

Theo đó, các Tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm tổ trưởng sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/10/2021 đạt dưới 60% kế hoạch vốn được giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2022. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Về phía Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021. Với các bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trước sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo nhà nước, cùng với các bộ, ngành, địa phương, tình hình giải ngân của cả nước đang được mong đợi sẽ khởi sắc và tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao khi kết thúc năm ngân sách. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư công: “Cú đấm” kích cầu phục hồi kinh tế

    Đầu tư công: “Cú đấm” kích cầu phục hồi kinh tế

    04:00, 26/11/2021

  • Đôn đốc gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công

    Đôn đốc gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công

    11:00, 24/11/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

    20:25, 22/11/2021

LINH NGA