Rộng mở cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường Anh

NGỌC LAM 16/12/2021 16:30

Cùng với sự phát triển của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước tăng trưởng.

Tại hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19”, đại diện các bộ ngành và doanh nghiệp đã cùng thảo luận về chính sách, cơ hội hợp tác tại thị trường Anh cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để triển khai hợp tác thành công.

Tiềm năng lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhận định cùng với sự phát triển của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ trong thời gian qua.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt mốc 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, bất chấp khó khăn đứt gãy thương mại toàn cầu do đại dịch. Trong đó xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt hơn 700 triệu USD, tăng 25,69%. Về quan hệ thương mại, Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trong số các nước trên thế giới, đứng thứ 4 trong thị trường Châu Âu – Châu Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Vương quốc Anh tại ASEAN, đứng thứ 26 về đối tác xuất khẩu trên thế giới.

“Với việc thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), có hiệu lưc với ưu đãi thuế quan đã thúc đẩy trao đổi thương mại song phương hai nước, ghi nhận nhiều diễn biến tích cực”, ông cho biết.

fdf

Hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19”.

Bàn về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, đánh giá Anh là thị trường đầy tiềm năng và có nhiều dư địa để thúc đẩy hoạt động hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Những con số tăng trưởng ngoạn mục trong 10 tháng đầu năm 2021 là minh chứng cho thấy cơ hội luôn rộng mở với những doanh nghiệp Việt Nam có tâm thế sẵn sàng và sự chuẩn bị toàn diện để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu của các đối tác.

Ở góc độ của một doanh nghiệp hàng không, ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc cấp cao phụ trách thương mại hãng hàng không Bamboo Airways, nhấn mạnh “về bản chất hàng không không – du lịch và trao đổi kinh tế luôn song hành với nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần đồng hành trong hành trình tiếp cận và phục vụ các thị trường tiềm năng, tạo nền tảng để thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như mở rộng tiềm năng du lịch của Việt Nam đến với thế giới”.

Sự đồng hành của Bamboo Airways cụ thể hóa trong 2 lĩnh vực: cung cấp dịch vụ chuyên chở hành khách với chất lượng dịch vụ định hướng 5 sao và dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế. Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách, Bamboo Airways đã xác định chiến lược Go Global ngay từ những ngày đầu thành lập, trên cơ sở đánh giá tiềm năng trao đổi kinh tế thông qua hoạt động hàng không – du lịch, trong đó tập trung hướng tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Mỹ, châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… Đối với thị trường Anh, hãng đã công bố đường bay thẳng thường lệ Việt Nam – Vương quốc Anh từ tháng 11 và dự kiến khai thác với tần suất ban đầu 6 chuyến khứ hồi/tuần ngay khi điều kiện cho phép.

Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, trong năm 2022, kế hoạch của hãng là chuyên chở 4.000 tấn, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao thương của doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho hoạt động trao đổi kinh tế song phương gấp 3 lần, 5 lần trong thời gian tới.

Bước qua rào cản

Với đặc thù là “quê hương của các loại tiêu chuẩn”, một trở ngại với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Anh là cần đáp ứng hệ thống quy định và tiêu chuẩn khắt khe. Hậu Brexit, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu và hợp tác với các khu vực kinh tế năng động, trong đó có Việt Nam. Song điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo dẫn chiếu và quy định của Anh thay vì quy định của EU như trước đây.

Bằng kinh nghiệm tiếp cận và cung cấp sản phẩm cho thị trường Anh hơn 10 năm, bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, chỉ ra hai điểm mấu chốt cần lưu ý khi tiến vào thị trường Anh cũng như thị trường quốc tế đó là chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Bà Giang cho rằng không chỉ ngành may mặc, mà bất cứ ngành nào cũng cần biết nắm bắt cơ hội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt tay với đối tác.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn FPT, nhận định Anh là thị trường công nghệ thông tin lớn bậc nhất châu Âu, tiềm năng song cũng vô cùng khắt khe và bảo thủ. Do đó, để thâm nhập vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ thị trường, hiểu rõ người tiêu dùng cũng như hiểu rõ văn hóa của nước bạn.

Khách mời tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Khách mời tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Với diễn biến môi trường và đầu tư kinh doanh có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp chủ động theo dõi biến động của thị trường, nắm bắt các thông tin về hiệp định thương mại, xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh bài bản nhằm đảm bảo năng lực, duy trì thị phần, tạo cơ sở phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần có sự sẵn sàng cao về mặt công nghệ hiện đại, áp dụng chuyển đổi số để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, qua đó thiết lập hệ thống dữ liệu, nền tảng kết nối người mua và người bán, kết nối doanh nghiệp; cũng như tạo ra dòng chảy thương mại nhanh chóng. Sự tham gia của các ngân hàng lớn như HSBC hay Standard Chartered trong việc cung cấp giải pháp tài chính, hỗ trợ tư vấn các thương vụ mua bán sáp nhập, triển khai blockchain làm cơ sở dữ liệu kiểm tra tính minh bạch của các bên tham gia… được đánh giá cao trong việc giảm thiểu rủi ro xuyên suốt quá trình thanh toán hàng hóa xuất khẩu và thực hiện các giao dịch quốc tế.

NGỌC LAM