Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Khởi động ngay từ 0…
Vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) có diện tích đất đai mênh mông rộng lớn có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đang cần được liên kết lại và phát triển như một thực thể kinh tế…
>>Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, gần 5 năm qua, vùng ĐBSCL đã được Bộ ngành hoạch định ra khu logistic đặt trong vùng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai…
3 điểm nghẽn lớn
- Thưa ông, hiện liên kết vùng của ĐBSCL và liên kết liên vùng của ĐBSCL với TP HCM, với Đông Nam Bộ cùng các địa phương khác đang có những điểm nghẽn lớn nào?
Ông Nguyễn Phương Lam: Trong “Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2020” mà VCCI và Trường ĐH Fulbright thực hiện, chúng tôi đã phân tích lý những điểm nghẽn lớn nhất đang ảnh hưởng sự phát triển kinh tế vùng, doanh nghiệp và đời sống xã hội.
Thứ nhất, hạ tầng cứng trong đó giao thông kết nối các tỉnh trong vùng là điểm nghẽn lớn nhất khiến guao thương hàng hóa phụ thuộc huyết mạch này bị cản trở, ảnh hưởng khiến nhiều thập niên qua ĐBSCL chậm phát triển.
Thứ hai, giữa các tỉnh địa phương chưa có sự hợp tác, vì thế thiếu chính sách cơ chế, thể chế chung, quy định chung để gắn kết với nhau. ĐBSCL là một thực thể vì các địa phường có cùng điều kiện tự nhiên, mặt bằng kinh tế, nét văn hóa tương đồng. Lẽ ra nếu là thực thể sẽ rất phát triển nhưng hiện vẫn đang là 13 tỉnh như 13 mảnh ghép rời rạc. Chưa có quy định nào để hợp tác gắn bó với nhau.
Thứ ba, điểm yếu hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Trừ các ngành có tính khép kín như dệt may, da giày, còn lại các ngành chủ lực còn cạnh tranh, các doanh nghiệp lớn và phụ trợ chưa hợp tác tốt, sản xuất phân phối chưa ăn nhịp trong chuỗi cung ứng ra thị trường… Những móc xích chỉ thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nhiên, chưa có sự chủ động, do đó khi có sự cố ví dụ dịch bệnh vừa qua hay khó khăn thị trường, thì lộ ra ngay hạn chế về chuỗi cung ứng, tất cả đều bị lúng túng. Những điểm yếu đang bộc lộ đòi hỏi phải có sự hợp tác chuỗi ngành trong chuỗi vùng để thành sợi dây khép kín.
Chính những điểm nghẽn nhìn từ các góc độ và cấp độ từ đầu tư Chính phủ đến hợp tác địa phương, hợp tác doanh nghiệp trên, khiến ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại tại và sắp tới.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh có 4 yếu tố lớn trong phát triển kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là: Nguồn lực, Thể chế, Chiến lược và Thực thi. Hay nói cách khác, đây là 4 trụ cột để nâng đỡ, chắp cánh cho kinh tế địa phương từ hiện thực đi đến khát vọng lớn.
- Ứng phó dịch bệnh và ngay trong hiện tại, khi mùa Tết đang đến, theo ông, cần ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn nào?
Như phân tích ở trên, cả khu vực có 1 con đường độc đạo duy nhất là cao tốc Trung Lương TP HCM và một tuyến quốc lộ 1, không đủ sức cho 13 tỉnh lưu thông vận chuyển hàng hóa đến TP HCM và từ cửa ngõ này đi các tỉnh, vùng khác. Các tuyến trên luôn quá tải vào dịp Lễ tết. Hiện Chính phủ đã đầu tư các tuyến kế tiếp, hy vọng tết năm nay mở ra hướng tháo gỡ; tuy nhiên giao thông vẫn cần đầu tư liên tục, nếu không sẽ không theo kịp tiềm năng cơ hội để phát triển.
Phân phối cũng là vấn đề chưa có sự kết nối chặt chẽ. Dịch bệnh và các Hiệp định FTA đang cho thấy thị trường trong nước đang mở ra điều kiện thuận lợi trước mắt cho doanh nghiệp phát triển, song các doanh nghiệp cũng chưa tháo gỡ được điểm nghẽn này.
Dài hạn hơn, về khả năng lưu trữ kho bãi hậu cần thuộc logistic tại vùng đang thực sự yếu kém, hay có thể nói là logistic vùng ĐBSCL hầu như chưa có gì. Giao thông, phân phối, lưu trữ đang ảnh hưởng đến sự phát triển không chỉ của ĐBSCL đến TP HCM mà còn cả nước.
Nhà nước đi trước về giao thông, logistic theo sau…
>>Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Thiếu “sếu đầu đàn”
- Liệu có cách thức nào để thúc đẩy vận động đầu tư tư nhân mạnh hơn nữa để cải thiện logistic, thưa ông?
Đầu tiên như đã nói điểm yếu chí tử của vùng là giao thông. Không có giao thông thì không có điều kiện cho logistic, bởi có đầu tư kho bãi mà hệ thống đường sá hạn chế thì doanh nghiệp cũng không mặn mà. Thực tế vùng hiện có 1 vài kho bãi nhưng số lượng rất ít. Vùng cũng có hệ thống cảng biển, hàng không nhưng sân bay Cần Thơ thì chưa bay được nhiều quốc gia, cảng biển thì mang tính luồng lạch. Do đó giải quyết giao thông thì cơ hội logistic sẽ đến.
Theo công tác quy hoạch của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm thúc đẩy đầu tư gần 5 năm qua, đã hoạch định ra khu logistic đặt trong vùng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, vì vậy rất cần được Chính phủ quan tâm thúc đẩy nhiều hơn. Có sự quan tâm đầu tư Nhà nước, thì doanh nghiệp tư nhân, phụ trợ sẽ tham gia và tạo mạng lưới trong vùng, logistic sẽ phát triển giúp giúp lưu thông vận chuyển hàng hóa hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế vùng.
- VCCI chi nhánh Cần Thơ có khuyến nghị gì để tham gia xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư logistic tại vùng?
Đầu tư kho lạnh nói riêng hay kho bãi, công nghiệp phụ trợ, logistic vừa là xu hướng vừa đang có nhu cầu lớn. ĐBSCL là vùng nông thủy sản lớn được tiêu thụ trong nước, nếu doanh nghiệp có hệ thống kho lạnh, kho bãi lưu trữ thì các nhà máy sẽ tăng sản lượng sản xuất, khai thác năng lực tối đa. VCCI khuyến khích doanh nghiệp và khuyến nghị địa phương cần có ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư ngành, bởi một khi đã có đầu tư giao thông của Chính phủ, nếu địa phương có chính sách phù hợp thì 5 năm tới logistic ĐBSCL sẽ phát triển rất nhanh từ khởi điểm đang ở số 0 của hiện tại.
- Được biết, mới đây TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright cho rằng, cần có đề xuất để thể chế chính quyền vùng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đây là một đề xuất nghiêm túc và cần được xem xét nghiêm túc để hình thành chính quyền cấp vùng. Tuy nhiên để có được thì phải qua nhiều tầng nấc, thay đổi thế chế, luật… nhưng nếu quan tâm từ bây giờ thì trong khoảng một thập niên nữa chúng ta có thể có thể chế vùng. Nếu không quan tâm thì sẽ không bao giờ có. Thực tế chúng ta đã thấy được những hạn chế của các mảnh 13 tỉnh thiếu tính cộng hưởng. Chính phủ, Quốc hội cũng đã thấy; các cơ quan T.Ư hiện cũng đã dần hình thành theo cơ chế điều phối vùng ở các lĩnh vực Hải quan, Kho bạc, Thuế… Gần đây, Tổng cục Thống kê cũng đã đưa tiêu chí đo lường đánh giá kinh tế vùng. Có thể thấy chúng ta đang bắt đầu tiếp cận vấn đề nghiêm túc. Khuyến nghị của TS Vũ Thành Tự Anh là nghiêm túc và tôi cũng đồng nhất với khuyến nghị này.
Trước mắt, Chính phủ đã phê duyệt Hội đồng vùng. Điều này cho thấy nếu Hội đồng vùng vận hành hiệu quả thì đây là hình thức điều phối ở cấp vùng. Hy vọng sau một thời gian nữa Chính phủ sẽ xem xét đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Hội đồng, và sau đó nữa chúng ta sẽ có cơ chế, thể chế phù hợp, giúp phát huy khai mọi tiềm năng, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về quy hoạch vùng ĐBSCL, Bộ đã chủ trì làm việc với tư vấn quốc tế để xây dựng quy hoạch hoạch công phu, bài bản, hoàn tất từ cuối năm 2020 và hiện đang trình Chính phủ thẩm định, xem xét.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO 22/12: Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
05:00, 22/12/2021
Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây
16:35, 21/12/2021
Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Cơ chế phù hợp để phát triển hạ tầng
04:00, 28/11/2021
Long An: Liên kết vùng để Phát triển
13:08, 10/11/2021