Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây
Với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), “cần phải có quan điểm tiếp cận mới” là quan điểm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông còn Thủ tướng.
>>Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
LTS: Vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) có diện tích đất đai mênh mông rộng lớn có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đang cần được liên kết lại và phát triển như một thực thể kinh tế…
Quan điểm “8G” của Chủ tịch nước đặt ra cho miền Tây bao gồm bài toán “Gắn” - gắn kết giữa trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt gắn với liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững. Trong sự kiện “Mekong Connect” mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, người đi từ “ruột” đất đai, sông nước miền Tây, đã chia sẻ rằng về tư duy liên kết vùng, 13 tỉnh, thành vẫn đang làm bài toán chia.
Có thể nói đối với miền Tây, một hạ tầng hoàn chỉnh vẫn đang còn ngổn ngang cả mềm và cứng. Hạ tầng mềm không chỉ về cơ chế chính sách, quy hoạch, thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hỗ trợ thị trường... mà là chủ trương nhất quán của toàn vùng trong câu chuyện liên kết và kêu gọi nhà đầu tư đến làm ăn cũng như ngược lại, để người miền Tây liên kết và đi ra làm ăn với mọi vùng.
Vùng ĐBSCL cho dù có hạ tầng cứng và đang được đầu tư hạ tầng cứng với hàng loạt BOT, BT, thậm chí chỉ tính riêng về vấn đề ứng phó biến đổi khí, cần tới 2 tỷ USD cho đầu tư các dự án; giả định có thể được Chính phủ rót vốn đầu tư theo cam kết tài khóa trước đây, và có cơ hội tăng tốc liên kết bằng hệ thống đường sá, giúp các ngành sản xuất dễ dàng và hiệu quả hơn, nhưng hạ tầng mềm chưa tương xứng, thì vẫn có thể làm trì níu, thậm chí hỏng tiềm năng của hạ tầng cứng.
Trong khi thể chế chính quyền vùng vẫn đang là khát vọng và chỉ là một phần mảnh của hạ tầng mềm kinh tế vùng, thì một gợi ý của TS. Vũ Thành Tự Anh, về việc “nên có cơ sở dữ liệu chung để nối kết dữ liệu các địa phương lại với nhau”, theo các nhà lãnh đạo địa phương, là rất xứng đáng để quan tâm. “Tuy chưa hình dung được san sẻ cơ sở dữ liệu chung và kết nối dữ liệu chung mà không có một thể chế chung được hợp thức ở vùng ra sao, song với vai trò không thể phủ nhận của dữ liệu và sự phát triển của công nghệ số, hy vọng trước mắt các địa phương có thể ngồi lại, bàn bạc, san sẻ, liên kết cùng nhau bắt đầu từ vấn đề này”, lãnh đạo một địa phương ở ĐBSCL cho biết.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO 22/12: Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
05:00, 22/12/2021
Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây
16:35, 21/12/2021
Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
05:00, 10/12/2021
Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Cơ chế phù hợp để phát triển hạ tầng
04:00, 28/11/2021