Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.
>>Ngành thủy sản "thoát hiểm" ngoạn mục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý IV/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 602,1 nghìn tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá 8,89 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay. Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt. Những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò “thị trường chính” là Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu (EU).
Cùng với những thuận lợi, ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
>>Nền tảng số là giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững nông thủy sản
Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng,…
Về sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho rằng nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.
Theo ông Trương Đình Hòe, nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng, trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Nam Định: Hướng đi nào cho phát triển thuỷ sản trên sông Hồng?
02:00, 14/01/2022
Ảm đạm triển vọng ngành thủy sản
04:00, 08/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản
20:31, 02/01/2022
Bông hồng vàng ngành thủy sản CEO Nguyễn Thị Nga: Khẳng định bản lĩnh nữ doanh nhân Việt
18:00, 29/12/2021
Ngành thủy sản "thoát hiểm" ngoạn mục
03:00, 27/12/2021
Nền tảng số là giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững nông thủy sản
11:02, 23/12/2021