Quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn thiếu và yếu
Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng khoảng một nửa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hơn nữa đóng góp của khu vực này vào GDP giảm liên tục.
>>Tổng kết 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay Nghị quyết số 13/NQ-TW về kinh tế tập thể đã đánh giá đúng tình hình, chỉ ra được yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế tập thể. Đây là nền tảng và cơ sở quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể 20 năm qua.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ ra khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng khoảng hơn 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể: năm 2003 là 4,92%, năm 2005 là 3,98%, năm 2010 là 3,32%, năm 2020 là 2,4%. Đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001, 6,65% năm 2005, 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020. Kết quả phát triển của khu vực kinh tế tập thể so với mục tiêu đến 2010 mà nghị quyết đề ra là “đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế”, là không đạt được.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trong đó phải kể đến, khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với hợp tác xã, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác cũng nwh chưa làm rõ được sự phát triển từ thấp đến cao của các tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, quá trình thực hiện chưa khuyến khích thu hút thành thành tham gia đồng thời chưa xác định được cơ chế quản lý một cách minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong hợp tác xã…
Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hợp tác xã hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện. bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được kiện toàn, sau 20 năm thực hiện nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp trung ương và địa phương. Sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể là nguyên nhân quan trọng làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được triển khai trong thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới cần phải năng động, hiệu quả, bền vững thực sự. Kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể.
>>Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025
Để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhận thức về kinh tế tập thể cần được thống nhất và nâng cao. Phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần được tăng cường hơn nữa.
Về chính chính sách, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý, trong đó chú trọng nâng cao tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Đội ngũ cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, được đào tạo bài bản, có tư tưởng chính trị vững vàng để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị cần phải giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể (như nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của hợp tác xã cũ, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai.)
Trong bối cảnh mới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc xây các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phù hợp với tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể bạn quan tâm