Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thoát cảnh "án binh bất động"
Mốc đốt lửa lần đầu Tổ máy số 1 của Nhà mày nhiệt điện Thái Bình 2 vào ngày 23/2 là hoàn toàn khả thi.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động tháng 4/2022
Theo báo cáo của Ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình 2, đến ngày 15/2, tiến độ tổng thể của dự án đạt 88,3 %. Trong đó: Thiết kế đạt 99,9 %; mua sắm đạt 95,7 %; xây dựng - thi công đạt 87,2 % và công tác chạy thử đạt 24,0 %.
Hiện tại, 22/28 hệ thống của nhà máy đã hoàn thành lắp đặt và chạy thử, 6 hệ thống đang vừa lắp đặt, vừa triển khai chạy thử. Trong đó, hầu hết các hệ thống liên quan đến mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu và hòa lưới lần đầu bằng dầu đã hoàn thành lắp đặt, đang triển khai lắp đặt hệ thống giám sát khói thải (CEMS), tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và chạy thử thiết bị.
Từ chỗ “án binh bất động”, đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đã lấy lại tiến độ và phấn đấu về đích trong năm 2022.
Các bước chuẩn bị nhân sự cho vận hành và nhân sự hỗ trợ từ Vũng Áng cũng đang chuẩn bị đầy đủ đưa về tham gia, vừa vận hành vừa học. Vật tư vận hành, hóa chất, dầu mỡ cũng đã được chuẩn bị trong vòng 2 năm. Ban QLDA và Tổng thầu đã có phương án, giải pháp đảm bảo an toàn, vận hành lâu dài cho nhà máy trong thời gian tới.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhấn mạnh, sau khi thị sát công trường, trao đổi cùng các chuyên gia vận hành cho thấy mốc đốt lửa lần đầu Tổ máy số 1 vào ngày 23/2 là hoàn toàn có thể triển khai. Hiện nay, chúng ta cần phải kiểm soát chặt các mốc tiếp theo là 30/4 và ngày 6/6.
Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam lưu ý Ban QLDA và Tổng thầu một số vấn đề: Thứ nhất là việc triển khai hạng mục băng tải than đang trong mùa Xuân, khí hậu vùng duyên hải thường ẩm ướt, ảnh hưởng đến tiến độ sơn khung dầm thép nên cần có giải pháp đảm bảo tiến độ sơn ngay lập tức để kịp tiến độ lắp đặt. Mặt khác, cần phải xem xét chuyển vật tư, kết cấu của băng tải từ Dung Quất về nhanh nhất có thể để có phương án rút ngắn tiến độ hơn nữa phù hợp với mốc 19/5 và 16/6.
Thứ hai là về bảo dưỡng thiết bị máy móc cũng cần xây dựng thêm phương án dự phòng, đàm phán nhanh về chi phí bảo quản, bảo dưỡng thiết bị. Về các thiết bị chính vẫn ưu tiên hàng đầu cho tổ máy số 1 nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra, rà soát thiết bị máy móc của cả tổ máy số 2.
>>>Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phấn đấu đến 30/4/2022 hoà vào lưới điện
>>>Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được lãnh đạo Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, tháo gỡ khó khăn về cơ chế trong suốt những năm vừa qua.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu là phải xử lý những vướng mắc, hạn chế, những khó khăn, bất cập để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Dự án thua lỗ, yếu kém này gây bức xúc trong nhân dân.
Thủ tướng đề nghị cân nhắc lập một tổ công tác đặc biệt nếu cần thiết. Đồng thời, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại buổi kiểm tra tiến độ cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Nhà máy phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu hòa lưới điện vào ngày 30/4/2022 thay vì đầu tháng 6/2022 như mục tiêu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt ra, bởi nhà máy hoạt động sớm mỗi ngày là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sẽ kiểm tra trực tiếp, giao ban mỗi quý 1 lần về dự án này để động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời yêu cầu Nhà máy tiếp tục bám sát mốc tiến độ tổng thể và mốc tiến độ của từng hạng mục quan trọng, hiện đang chậm như băng tải than, vận chuyển đá vôi, bãi thải xỉ và hệ thống thải xỉ… để triển khai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các việc cũ liên quan sai phạm thì đã giao các cơ quan kết luận, làm rõ. Việc cần làm là tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành trong năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nếu Dự án này chậm ngày nào thì thiệt hại kinh tế phát sinh là rất lớn do chủ đầu tư phải trả lãi vay, địa phương chưa có nguồn thu ngân sách từ Dự án và EVN chưa thể mua điện từ nhà máy với sản lượng có thể trên 7 tỷ kWh, trong khi đó nguồn cung ứng điện của miền Bắc trong những năm tới dự kiến gặp khó khăn.
Sau hơn 10 năm khởi công với hàng loạt các vướng mắc, Nhiệt điện Thái Bình 2 từng có thời gian rơi vào tình trạng bế tắc, tiến độ “giậm chân tại chỗ”, công trường không có công nhân, đến nay Nhà máy đã lấy lại tiến độ và phấn đấu về đích trong năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phấn đấu đến 30/4/2022 hoà vào lưới điện
01:35, 05/09/2021
Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?
03:00, 17/11/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động tháng 4/2022
20:52, 13/01/2022
Nhiệt điện Thái Bình 2 bị “dìm” giá?
11:00, 07/08/2020