Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng
Doanh nghiệp sẽ ủng hộ nếu nguồn thu từ việc thu phí cảng biển được quản lý chặt chẽ, minh bạch và mục tiêu được dùng để đầu tư mới, cải tạo đường sá để hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng.
>>>Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!
Doanh nghiệp sẽ ủng hộ
Theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở TP.HCM, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển. Trong đó, ưu tiên khép kín đường vành đai 2 để góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng phía đông, đông bắc như cảng Phú Hữu, Cát Lái... Đồng thời, giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ...
Và thời gian thu phí thử nghiệm được tính từ ngày ngày 16/2 đến hết ngày 15/3 và sẽ chính thức thu từ ngày 1/4/2022. Tuy niên, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng, nguồn thu phí từ cảng biển là rất lớn, và việc thu phí để đầu tư phát triển cải tạo hạ tầng là hợp lý, góp phần để hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng. Song, việc sử dụng tiền thu được cần phải công khai minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Theo ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH giao nhận vận tải Bầu Trời Xanh, thu phí cảng biển thì chắc chắn chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên, ban đầu cũng rất băn khoăn, nhưng nếu nguồn thu từ việc thu phí cảng biển được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ và mục tiêu được dùng để đầu tư mới, cải tạo đường sá để hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng thì doanh nghiệp rất ủng hộ.
Cũng theo ông Dũng, việc thu phí hạ tầng cảng biển này không mới, Hải Phòng đã tổ chức thu từ lâu và tái đầu tư nguồn thu này cho hệ thống các tuyến đường kết nối cảng rất thành công.
"Mức phí áp dụng hiện nay cũng không quá cao, tuy nhiên, vấn đề là cần có cơ chế giám sát để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp. Không nên để doanh nghiệp này đóng còn doanh nghiệp kia thì không" - ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, GS Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng: TP.HCM là 1 trong 3 đô thị cảng biển lớn cả nước cùng với Hải Phòng và Đà Nẵng. Với sản lượng hàng hóa thông quan lên tới 170 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển TP đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL với 4 cụm cảng chính là Cát Lái, Nhà Bè, Sài Gòn và Hiệp Phước.
Tuy nhiên, hạ tầng kết nối với các cảng chưa đồng bộ dẫn đến ùn tắc, tăng chi phí logistics. Thống kê trung bình có khoảng 19.000 - 20.000 xe/ngày đêm vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống, trong khi theo quy hoạch trước đây hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe/ngày đêm.
>>>Đề xuất không thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hoá đường thuỷ nội địa
Đề nghị cần minh bạch việc sử dụng khoản phí
Cũng theo ông Trường, có những ngày lượng xe tăng đột biến lên 26.000 xe, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại các khu vực cảng do vượt năng lực thông hành của các tuyến đường kết nối cảng.
Do đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển sẽ tạo ra một nguồn thu để có thể tái đầu tư hạ tầng trong bối cảnh nguồn ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, TP cần phải thống nhất và có lộ trình cụ thể về việc số tiền thu được phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cần minh bạch việc sử dụng khoản phí này và mong muốn cần có sự thông báo công khai việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể và việc sử dụng phí này phải hiệu quả.
Liên quan tới công tác chạy thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển, ông Vương Tuấn Nam – Phó trưởng Phòng CNTT - Cục hải quan TP.HCM, thông tin từ ngày 16/2/2022, TP.HCM chính thức bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển. Đến nay, sau hơn 10 ngày thử nghiệm, hệ thống vận hành ổn định, chưa xảy ra các vướng mắc, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận đề án với sự an tâm, tin tưởng trước khi triển khi thu phí chính thức vào ngày 1/4 sắp tới.
Cũng theo ông Nam, có thể nói, việc thu phí tự động sẽ mang lại nhiều tiện ích. Cụ thể, khi sử dụng thu phí tự động sẽ tiết kiệm chi phí quản lý của cơ quan thu phí, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người nộp phí, bên cạnh đó còn đảm bảo được tính an toàn, minh bạch, bởi, trong quá trình nộp phí tất cả được thực hiện hoàn toàn tự động.
Liên quan đến công tác vận hành, ông Nguyễn Ngọc Tuấn– Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, cho rằng: Đến thời điểm này nói chung hệ thống vận hành cơ bản tốt tất cả dữ liệu đầu vào, cũng như đầu ra tại các cảng đều được thực hiện. Bên cạnh đó các cảng cũng đã thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giám sát trên hệ thống. Bên cạnh đó, với việc khai báo và nộp phí đều thực hiện trực tuyến, không cần triển khai chốt, trạm tại các bến cảng, đến nay việc vận hành hệ thống này trở nên trơn tru, chưa xảy ra các vướng mắc, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận đề án với sự an tâm, tin tưởng.
Về quy trình, người nộp phí chỉ cần kê khai trực tuyến, hệ thống thu phí cảng biển sẽ tự động thông báo mức phí mà doanh nghiệp phải nộp. Sau khi khách hàng nộp phí, biên lai điện tử sẽ tự động chia sẻ qua hệ thống cảng. Khi thấy khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ đóng các loại phí theo quy định, nhân viên sẽ mở cổng cho xe ra vào.
Chia sẻ với doanh nghiệp về công tác quản lý, tính minh bạch về sử dụng nguồn thu, ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, khẳng định, nguồn thu phí hạng tầng cảng biển này chúng ta thu theo luật, và số tiền thu được chúng ta chỉ để bù đắp một phần cho tổng phần đầu tư công cho các khoản chung của TP.
Do đó, đề án thu phí cảng biển sẽ chính thức triển khai vào ngày 1/4 tới đây. Trước mắt triển khai thí điểm tại 26 cảng biển ở TP.HCM với mức thu thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng. Uớc tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỉ đồng. TP. HCM sẽ thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển – ông An chia sẻ.
Năm 2020, TP.HCM xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển theo mô hình Hải Phòng. Đến tháng 12/2020, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về ban hành mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển và thời gian thu phí từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022. Việc lùi thời điểm thu phí cũng nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch. Theo kế hoạch về mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển TP.HCM như sau: - Với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft. - Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. - Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. |
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều lần tạm hoãn, TP HCM thử nghiệm thu phí cảng biển
11:23, 17/02/2022
Đề nghị dừng thu phí cảng biển năm 2021 và giảm 50% năm 2022
02:00, 20/10/2021
Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!
04:00, 23/06/2021
Đề xuất thu phí cảng biển “cản đường” phát triển của doanh nghiệp
04:50, 15/06/2021
Hải quan Hải Phòng: “Công nghệ hóa” thu phí cảng biển
00:10, 17/11/2018