Lập quy hoạch chậm vì thiếu liên kết
Sự liên kết giữa các ngành ở trung ương trong xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương không được chặt chẽ.
>>Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát tình hình xăng dầu
ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về công tác lập quy hoạch hiện vẫn chậm so với yêu cầu.
- Ông đánh giá như thế nào về việc lập quy hoạch bị chậm trong thời gian vừa qua?
Việc xây dựng, chỉ đạo về công tác quy hoạch thời gian qua chưa được chú trọng. Sự liên kết giữa các ngành ở trung ương trong xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương không được chặt chẽ.
Địa phương cứ tiến hành xây dựng, còn trình lên trên là để “tranh thủ” xin ý kiến, như chúng tôi muốn xây dựng cái này, cái kia có phù hợp với định hướng chung hay không? Có đi đúng hướng quy hoạch của vùng, của quốc gia hay không?
Nhưng lại có rất ít thông tin phản hồi hay hỗ trợ từ ngành dọc trung ương cho các địa phương hay các đơn vị cấp dưới. Trong khi, ở phía dưới địa phương “lúng túng”, tư vấn thì thiếu. Một tư vấn “ôm” không biết bao nhiêu dự án, địa phương nên đã dẫn đến kết quả tư vấn quy hoạch kém.
Chính phủ chỉ đạo cũng rất quyết liệt, nhưng tôi kiến nghị thời gian tới cần quyết liệt hơn, như phải thành lập một ban chỉ đạo của cấp chính phủ. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi vùng phải có một ban chuyên trách về công tác quy hoạch. Dành ưu tiên cao nhất cho công tác quy hoạch, sau 6 tháng hoặc 1 năm phải hoàn tất, sau đó có thể đi làm việc khác.
Ví dụ, như việc xây nhà, thiết kế thì chắp vá được “vài nét” chưa hoàn chỉnh mà cứ hô “quân” đi xây thật lực. Trong khi các lĩnh khác triển khai trong đời sống, kinh tế, xã hội vẫn cứ làm “ầm ầm”.
Quy hoạch tổng thể chưa có, chi tiết lại càng thiếu thì sẽ không biết những thiệt hại sẽ như thế nào, khi sự chồng chéo, lãng phí, không phù hợp, làm xong bỏ phí... có nguy cao xảy ra.
- Cụ thể, tại Bắc Giang có gặp phải những khó khăn gì trong công tác lập quy hoạch hay không, thưa ông?
Bắc Giang đã trải nghiệm và một mình “loay hoay” để đưa ra được quy hoạch. Nỗ lực của Bắc Giang thiết kế xong bản quy hoạch để trình lên Thủ tướng là một sự cố gắng. Tuy nhiên, thực tế tôi thấy lo lắng, vì chất lượng bản quy hoạch vẫn còn có những điểm khiến tôi cảm thấy băn khoăn.
Đơn cử, trong quy hoạch của tỉnh chưa tính được thời gian tới sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính, như huyện, xã, thôn thu lại thì sẽ như thế nào? Thành phố mở rộng thì ra sao? Đây là những yếu tố gây ảnh hưởng đến các quy hoạch khác. Vì một chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính sẽ làm thay đổi toàn bộ quy hoạch.
Nhưng vấn đề này vẫn chưa được tính toán để hình dung trong quy hoạch. Khi tôi hỏi tới đây Bắc Giang định hướng thay đổi đơn vị hành chính thì sẽ như thế nào? Và câu trả lời là “chưa tính được”. Đây là một ví dụ để thấy được tầm nhìn quy hoạch đang còn nhiều bất cập.
Nhiều khi chúng ta bị “thúc ép” về tiến độ nên tự làm “cho qua”. Do đó, cần phải có một sự chỉ đạo thống nhất, ở trên chỉ đạo quy hoạch các đơn vị hành chính quốc gia hay quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính quốc gia. Việc này phải xong đầu tiên thì các địa phương mới xây dựng, sắp xếp và tính toán quy hoạch.
Còn hiện tại chưa hình dung quy hoạch theo cách nào thì sẽ rất khó cho địa phương. Vấn đề này không phải Bắc Giang hay các địa phương chưa nghĩ đến, nhưng đang có sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp khi tính toán xây dựng quy hoạch.
- Từ những khó khăn trên, ông có đề xuất, kiến nghị gì đến các cấp có thẩm quyền?
Thứ nhất, Ban chỉ đạo quốc gia phải hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Các ngành cần hình thành cơ cấu, bộ máy để chỉ đạo và thực hiện công tác xây dựng quy hoạch.
Thứ hai, cần sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương cho đến các ngành, địa phương.
Thứ ba, sớm gỡ nút thắt thiếu tư vấn. Bắc Giang hiện nay đã có tư vấn nhưng với các tỉnh, thành khác có được đội ngũ tư vấn là rất khó khăn. Một ông tư vấn “ôm” và “chạy” nhiều tỉnh thì làm sao chất lượng.
Thứ tư, do Covid-19 nên bị hạn chế trao đổi, học tập giữa các ngành, địa phương. Cho nên cần tăng cường các hội nghị, diễn đàn nhằm trao đổi, hợp tác, thảo luận trong công việc này.
Thứ năm, kinh phí dành cho công tác quy hoạch. Thời gian qua khoản ngân sách dành cho việc này cũng rất hạn chế, eo hẹp. Các địa phương phải “co kéo” bố trí kinh phí. Vì hạn chế kinh phí nên càng khó khăn khi đi thuê các nhà tư vấn, các chuyên gia có năng lực.
Đi kèm đó là chế độ chi tiêu cũng phải rõ ràng, thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính. Quan trọng là quản về đầu việc, vì đôi khi “dính” vào thủ tục giấy tờ cũng là một sự cản trở, tốn thời gian công sức, gây “quan ngại” cho các chấp thực thi của địa phương. Thậm chí, không cẩn thận sau này trở thành chuyện vi phạm và “mất” cán bộ.
Thứ sáu, là công khai hóa, minh bạch hóa tất cả các quy trình xây dựng, ý tưởng xây dựng quy hoạch để người dân phản biện, các ngành, cơ quan tham gia đóng góp ý kiến. Đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu chúng ta công khai thì sẽ có sự giám sát của người dân, để tránh lồng ghép các “ý đồ” hay tư tưởng phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong quy hoạch. Công khai phải để cho người dân hiểu được, không công khai mang tính hình thức hay “chiếu lệ”.
Vì chỉ có một số ít người dân có chuyên môn mới đọc và hiểu, còn đại đa số đọc xong nhưng không hiểu nội dung, nội hàm. Do đó, đưa ra công khai nhưng cách thức, nội dung, phương pháp công khai... phải dễ hiểu, đơn giản để người dân tiếp cận và tham gia đóng góp ý kiến.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát tình hình xăng dầu
17:26, 28/02/2022
Chuyên gia của lãnh đạo, cơ quan của Quốc hội phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?
13:15, 23/02/2022
Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân
16:16, 21/02/2022
Tăng cường giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND
18:52, 19/02/2022
Hải phòng: Chủ tịch Quốc hội dự lễ động thổ Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học
01:26, 10/02/2022