Doanh nghiệp dệt may dùng năng lượng sạch để “săn” đơn hàng

PHƯƠNG THANH 26/05/2022 03:40

EU thực hiện mạnh mẽ mục tiêu phát triển bền vững, yêu cầu “xanh hóa” với mặt hàng dệt may nhập khẩu, trong đó quy định sử dụng năng lượng sạch là tiêu chí tất yếu.

“Xanh hóa” để sỡ hữu đơn hàng

>>Dệt may hướng đến "sản xuất xanh"

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Theo đà tăng trưởng 04 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam ước tăng 20,5% so với năm 2021. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2022 có thể tăng thêm 1 – 1,5 tỷ USD so với mục tiêu đề ra, góp phần nâng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 43,5 tỷ USD, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về xanh hóa trong sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may hướng đến sản xuất xanh để

Doanh nghiệp dệt may hướng đến sản xuất xanh để "săn" đơn hàng từ EU

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”, trong khi nguyên phụ liệu dệt may nhập từ Trung Quốc chiếm tới 52%, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chiếm 11%. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đã mở cửa trở lại, cùng với chiến lược tiêm vacxin thần tốc đã cơ bản thích nghi an toàn với dịch COVID-19.

Tuy nhiên về thị trường EU, thị phần của dệt may Việt Nam đang ở mức khá khiêm tốn, sản lượng xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 3% và đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào thị trường này. Trong khi tại các thị trường khác như Mỹ dệt may Việt Nam đứng thứ 2, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đứng thứ 2, sau Trung Quốc (thứ nhất).

Lý giải về khó khăn này ông Cẩm cho biết, một trong các nguyên nhân chính là do Việt Nam đang được EU cho hưởng thuế GSP bình quân 9,6%, trong khi một số quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar được hưởng thuế 0%, vì là các quốc gia kém phát triển.

Bên cạnh đó, EU là thị trường khó tính có yêu cầu cao về chất lượng, các tiêu chuẩn về vấn đề vệ sinh, an toàn sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, lao động…ngày càng gắt gao. Hơn nữa. mới đây nhất, một số rào cản thương mại liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính, truy soát nguồn gốc, đặc biệt là vấn đề “xanh hóa” trong sản xuất được các quốc gia châu Âu đặc biệt quan tâm và đặt mục tiêu hướng đến cần thực hiện.

Doanh nghiệp cần thực hiện sớm

Đánh giá về yêu cầu “xanh hóa” từ thị trường EU đối với mặt hàng dệt may, đại diện VITAS cho rằng, vấn đề “xanh hóa ngành dệt may” là xu thế tất yếu toàn cầu để bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân, người sản xuất và người tiêu dùng. Nắm được kế hoạch này, những năm gần đây VITAS đã triển khai chương trình này bằng nhiều hành động thiết thực như việc thành lập Ủy ban Phát triển bền vững và hoạt động tích cực trong thời gian qua. Từ những hành động cụ thể, VITAS  đã tổ chức phổ biến tại nhiều hội nghị, hội thảo, truyền thông về lợi ích của nguồn năng lượng sạch. Sắp tới sẽ có nhiều hội viên trong Hiệp hội Dệt may triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng điện năng lượng tái tạo, dần thay thế nguồn điện từ hệ thống nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng điện năng lượng tái tạo.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng điện năng lượng tái tạo.

“Song song với đó, chúng tôi duy trì nâng cấp hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải, xử lý khí thải, chất thải rắn. Đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của EU vì nhiều lý do (chưa đủ nguồn lực hoặc chưa nhận thức, quan tâm đúng mức đến vấn đề này) chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường EU và cả các thị trường khác” – ông Cẩm nhấn mạnh.

>>Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may

Liên quan đến mục tiêu “xanh hóa” trong sản xuất, theo các doanh nghiệp dệt may, với quy định được đề xuất của Ủy ban châu Âu như tiêu chí sinh thái vốn được áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng, thì sắp tới khả năng sẽ mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất… Đối với lĩnh vực dệt may quy định này nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh Fast Fashion, được cho là tạo rác thải và gây ô nhiễm môi trường rất lớn, mà thay vào đó là sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

“Đây là trách nhiệm không chỉ của nhà sản xuất mà của cả nhà nhập khẩu (nhãn hàng), vì vậy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải hợp tác với các nhãn hàng để triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” cũng như chia sẻ rủi ro, chi phí phát sinh khi đáp ứng các quy định của EC… nếu không muốn bị loại khỏi thị trường EU”- một doanh nghiệp nhận định.

Trước những yêu cầu trên, có thể nói việc không tuân thủ yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất sẽ gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khi không thể ký được các đơn hàng vào châu Âu.

Do đó để nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU, đại diện VITAS cho biết, nhằm tận dụng tốt cơ hội của Hiệp định EVFTA, trước hết các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, thực hiện hóa bằng hành động, sớm coi việc “xanh hóa”, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu. Đồng thời cần nhanh chóng nghiên cứu và nắm kỹ các nội dung quy định giảm thiểu phát thải, tiêu chuẩn thiết kế bao bì tái chế, (cụ thể như thị trường Đức đã bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn này từ tháng 7/2022) tới đối với các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu vào thị trường này.

“Đối với Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp sản xuất bao gồm cả ngành dệt may cần chủ động triển khai các các giải pháp đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất. Tôi cho rằng doanh nghiệp cần chuẩn bị các đề tài nội dung liên quan đến kế hoạch truy soát nguồn gốc, giảm phát thải khí nhà kính, tái chế… không chỉ theo quy định của các nước mà cả theo quy định của Việt Nam như Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Nghị định 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008; Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012 NĐ- CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật đo lường; Nghị định 13/2022/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thêm quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa...” – ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may hướng đến

    Dệt may hướng đến "sản xuất xanh"

    04:00, 20/05/2022

  • Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu

    Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu

    03:30, 09/05/2022

  • Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng

    Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng "bình thường mới"

    04:00, 29/04/2022

  • Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều

    Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều "sóng lớn"

    00:45, 31/03/2022

  • Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may

    Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may

    11:00, 23/03/2022

PHƯƠNG THANH