Sẽ đầu tư cao tốc Dầu Giây – Tân Phú theo phương thức PPP
Bộ GTVT vừa có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
>>Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Cần “đường cao tốc” trong tư duy chính sách
Cụ thể, theo kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60,1 km, trong đó: điểm đầu tại Km0+000, giao với QL.1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL.20 tại khoảng Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú 4 làn xe (Bn=24,75m). Tiêu chuẩn kỹ thuật: Đường ô tô cao tốc theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012: đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế, vận tốc thiết kế Vtk=100 Km/h. Tải trọng thiết kế các công trình trên tuyến HL93.
Mục tiêu đầu tư Dự án trên nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy tối đa vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong khu vực, trên địa bàn.
Đồng thời, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung; bảo đảm an ninh quốc phòng; hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Giảm tải cho QL.20 đang trong tình trạng quá tải, phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống mạng lưới đường cao tốc đã và đang đầu tư trong khu vực thúc đẩy kinh tế khu vực…
Liên quan đến kiến nghị trên của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.
Và để có cơ sở thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được Bộ Giao thông vận tải trình, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung Dự án về tính phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư; kiến nghị rõ phê duyệt hay không phê duyệt; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.
>>Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản triển khai đúng tiến độ
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).
Quyết định cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng và nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và bố trí kinh phí thẩm tra và thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định.
Tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long có đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1. Đây được xem là đoạn thiết yếu của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 59,6 km có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (trùng với điểm cuối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 (đoạn thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú). Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ. |
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Cần “đường cao tốc” trong tư duy chính sách
14:23, 10/06/2022
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản triển khai đúng tiến độ
13:24, 09/06/2022
Đẩy nhanh thủ tục để sớm khởi công Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)
22:20, 06/06/2022
Lùm xùm công nợ của các nhà thầu tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
16:00, 05/06/2022
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Lo ngại “chưa sử dụng đã… “lỗi thời”?
02:33, 03/06/2022
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng thu phí thủ công từ 1/6
16:27, 01/06/2022
Đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành 760 km đường bộ cao tốc
13:57, 31/05/2022
5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 4): Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc Chương trình phục hồi kinh tế
05:15, 31/05/2022