Độc quyền giống thanh long LD1 Kỳ II: Có nên mua lại bản quyền?
Việc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đăng ký bảo hộ quyền sản xuất giống thanh long ruột đỏ LD1 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ không thể xuất khẩu vì vướng quyền bảo hộ giống.
>>>Long An: Thực hư nguy cơ mất quyền xuất khẩu Thanh Long LD1
Có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng nên mua lại bản quyến giống thanh long ruột đỏ LD1 từ Công ty Hoàng Phát Fruit để đảm bảo quyền lợi cho người dân và các doanh nghiệp khác.
Vì lợi ích chung?
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện đúng theo Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có công lai tạo giống mới. Bên cạnh đó, đây là xu thế tất yếu để tiếp cận thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long LD1 chỉ thực hiện khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc; các thị trường khác không đòi hỏi bản quyền. Do đó, việc bảo hộ này yêu cầu phải trả tiền tác giả là đúng theo luật pháp, đồng thời việc bảo hộ này được khuyến khích nhằm tránh việc bảo hộ giống thanh long này rơi vào quyền sở hữu của nước ngoài”, ông Nguyễn Khắc Huy cho biết thêm.
Trong thời gian qua, tình trạng nông dân trồng cây ăn trái nói chung rất tràn lan, thiếu kiểm soát đã gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến giá cả bấp bênh, thị trường thiếu ổn định.
“Chúng tôi không độc quyền giống mà sẵn hợp tác với nông dân trồng loại thanh long LD1 và bao tiêu trên 5.000 tấn mỗi năm cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ nếu bà con có nhu cầu”, ông Nguyễn Khắc Huy khẳng định.
Cần tạo điều kiện cho nông dân
Trao đổi với PV DĐDN, đại diện lãnh đạo UBND huyện Châu Thành (Long An), cho rằng từ khi Công ty Hoàng Phát Fruit mua quyền bảo hộ giống thanh long LD1 chưa ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ thanh long của nông dân Châu Thành, cũng như chưa ảnh hưởng gì đến nông dân trồng cây thanh long.
“Công ty Hoàng Phát Fruits đang nắm giữ bản quyền bảo hộ giống nhưng vẫn để cho bà con nông dân sản xuất. Tuy nhiên, chưa khẳng định được về lâu dài tình hình sẽ như thế nào?. Do đó, về vấn đề này, địa phương đề nghị doanh nghiệp chia sẻ với nông dân và với địa phương. Cụ thể, cần xác nhận điều kiện để nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn có thể nhân giống thanh long để tái sản xuất và tham gia chính sách hỗ trợ của tỉnh”, vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tỉnh Long An cũng cho rằng, các sở ngành hoàn toàn đồng thuận với doanh nghiệp trong việc bảo hộ giống cây trồng vật nuôi theo Luật Sở hữu trí tuệ. Chưa kể, đây cũng chính là trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Vì vậy, theo các sở ngành tỉnh Long An, để đảm bảo sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì vai trò tiên phong của Công ty Hoàng Phát Fruit trong việc thực hiện bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ và xây dựng thị trường quốc tế cho trái thanh long LD1 là đáng ghi nhận. Do đó, phương án mua lại bản quyến giống thanh long LD1 từ Công ty Hoàng Phát Fruit là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, vì mục tiêu chung, Công ty Hoàng Phát Fruit nên tạo mọi điều kiện để nông dân sản xuất giống thanh long LD1; hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp khác tiêu thụ thanh long LD1 trong thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thì phải liên hệ Công ty Hoàng Phát Fruit để xác định quyền và nghĩa vụ có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
Long An: Thực hư nguy cơ mất quyền xuất khẩu Thanh Long LD1
15:30, 15/07/2022
Xây dựng hệ sinh thái cho thanh long
11:00, 28/02/2022
Giải cứu thanh long: Không thể trông chờ vào một thị trường
15:59, 22/02/2022
Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho tiêu thụ thanh long
02:30, 11/01/2022
Central Retail đẩy mạnh tiêu thụ thanh long, đồng hành cùng người nông dân
11:00, 04/01/2022