Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Tận dụng cơ hội kinh doanh mới

VŨ PHƯỜNG 11/08/2022 02:30

Biến đổi khí hậu đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Điều quan trọng, các doanh nghiệp cần đầu tư đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

>>>Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 1): Net Zero và mục tiêu tăng trưởng xanh

Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu (BĐKH) có tác động tới cuộc sống của tất cả cộng đồng, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và gây ra nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển đổi các thách thức đó thành cơ hội.

Khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, có tới 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất. 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ứng phó với biến đổi khí hậu – tiềm năng khởi nghiệp (Ảnh minh họa)

Ứng phó với biến đổi khí hậu – tiềm năng khởi nghiệp (Ảnh minh họa)

Cơ hội tham gia thị trường cacbon

Chuyên gia cho rằng, ứng phó BĐKH tạo ra cho chúng ta hai cơ hội lớn. Đó là cơ hội tham gia thị trường cacbon và cơ hội đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững.

Về cơ hội tham gia thị trường cacbon, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT cho biết, thị trường cacbon khá rộng mở đối với Việt Nam, bởi nước ta có tiềm năng giảm phát thải rất lớn. Thống kê mỗi năm, trữ lượng rừng của Việt Nam vào khoảng hơn 990 triệu m3. Cả nước hiện có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ cacbon. Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ cacbon mỗi năm, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra ngành kinh doanh mới. Thêm nữa, các hoạt động giảm phát thải, trao đổi tín chỉ cacbon (một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng cacbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác) thông qua Cơ chế Phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JMC) đã được thực hiện từ nhiều năm qua, tạo nền tảng cho xây dựng thị trường này.

Nhu cầu tín chỉ cacbon tại các nước phát triển như châu Âu, Mỹ và các nước phát triển mới nổi như Trung Quốc, Brazil là rất lớn. Nếu tham gia thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu được nguồn tài chính lớn và có thể phát triển ổn định về lâu dài, ông Cường nhìn nhận.

Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD, số tiền này sẽ được dùng để bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân

Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD, số tiền này sẽ được dùng để bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường cacbon tại Việt Nam (VN-PMR). Với việc thực hiện dự án này, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống khung pháp lý để triển khai các hoạt động này.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giám sát phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng Ozon (Cục Biến đổi khí hậu) thì cho rằng, hiện nay, một số ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính đã có ý định sẵn sàng cho vay, hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, giảm phát thải, tăng tính cạnh tranh. Nếu các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp cận cái mới, có trách nhiệm ứng phó với BĐKH có thể có cách tiếp cận nguồn vốn, công nghệ để thực hiện việc khởi nghiệp kinh doanh tín chỉ cacbon. Ngoài ra, cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bắt đầu khởi nghiệp là kinh doanh trên nền tảng các công nghệ thân thiện môi trường, áp dụng lối sống xanh, kinh doanh xanh.

Tiềm năng phát triển điện sinh khối

>>Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với năng lượng sạch

>>Năng lượng sạch, cần môi trường đầu tư minh bạch

Mặt khác, trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch, đặc biệt là năng lượng sinh khối có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững tại Việt Nam. Mặc dù còn chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng dư địa còn nhiều và sẽ là hướng đi mới cho các doanh nghiệp muốn nắm bắt thời cơ.

Ông Nguyễn Hữu Khương, giám đốc công ty CP Xây dựng và Thương mại Thái Sơn KCS (Thái Nguyên), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện cho rằng, nước ta có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. Trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đi theo xu hướng tất yếu của xã hội và ngành điện nói riêng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển công nghiệp xanh.

Tính toán của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho thấy, đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW.

Bã mía đang “làm ra tiền” cho các doanh nghiệp ngành đường mía (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Bã mía đang “làm ra tiền” cho các doanh nghiệp ngành đường mía (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Hiện tại, Nhà máy đường KCP Phú Yên, Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và Nhà máy Điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh) đang tận dụng lượng bã mía thừa sau khi ép đường để tạo ra điện “sạch” hòa vào điện lưới quốc gia, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, dự án nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40 MW, sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ 2013. Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện nhà máy nhiệt điện sinh khối tại khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc với công suất 19 MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ.

Nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu Công Nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ) do công ty cổ phần nhiệt điện Đinh Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi/giờ.

Một số nhà đầu tư khác đang triển khai các dự án điện sinh khối tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn.

>> Cơ hội cho các startup phát triển dự án về năng lượng sạch
Điện sinh khối đang dần được “đánh thức”

Điện sinh khối đang dần được “đánh thức”

Đầu năm 2022, Tập đoàn T&T và Tập đoàn EREX - công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện sinh khối của Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam. Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn EREX đánh giá cao tiềm năng phát triển điện sinh khối tại Việt Nam, góp phần đáng kể vào giảm lượng khí thải CO2 và nâng cao phần tự cung, tự cấp nguyên liệu sinh khối cho đất nước hình chữ S.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group khẳng định, việc phát triển điện sinh khối có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bản thân T&T Group đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này, với nhiều lợi thế khi có thể phát triển nguồn tài nguyên sinh khối lớn từ các lĩnh vực mà T&T Group và các công ty thành viên đang kinh doanh. Việc phát triển năng lượng sinh khối sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26 vừa qua.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù có nhiều dư địa cho các doanh nghiệp phát triển nguồn năng lượng xanh, hướng tới môi trường kinh doanh xanh, tăng trưởng xanh, nhưng cái khó của việc này ở chỗ nguồn vốn và chính sách ưu đãi hấp dẫn của Chính phủ để thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, tạo động lực cho việc phát triển bền vững tại Việt Nam.

>>>Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 3): Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

    20:00, 19/07/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

    Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

    00:40, 24/05/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng biến như Hà Lan

    Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng biến như Hà Lan

    17:45, 10/05/2022

  • Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

    Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

    11:00, 05/07/2022

  • Cơ hội cho các startup phát triển dự án về năng lượng sạch

    Cơ hội cho các startup phát triển dự án về năng lượng sạch

    05:15, 28/06/2022

VŨ PHƯỜNG