Tháo gỡ "nút thắt" trong thu hút đầu tư cảng hàng không theo hình thức PPP
Thể chế chính sách về sử dụng tài sản của Nhà nước tham gia dự án đầu tư cảng hàng không theo hình thức PPP chưa thực sự rõ gây "nút thắt" trong thu hút nhà đầu tư.
>>>Xây dựng thêm sân bay: Không thể duy ý chí!
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, từ kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xây dựng 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) để đánh giá, bổ sung cảng hàng không mới.
Thể chế đầu tư PPP chưa thực sự rõ
Theo đó, thời kỳ 2021-2030 dự kiến bao gồm 28 cảng hàng không, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 31 cảng hàng không.
Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, việc huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không hiện hữu có khó khăn là hiện nay tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không do nhiều đơn vị quản lý. Việc chuyển giao tài sản cho một đơn vị quản lý để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP rất khó khăn.
Thể chế chính sách về sử dụng tài sản của Nhà nước tham gia dự án đầu tư cảng hàng không theo hình thức PPP chưa thực sự rõ.
Cùng quan điểm, nhiều lãnh đạo địa phương cho biết có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng cảng hàng không nhưng cũng rõ “nút thắt” trong thu hút đầu tư. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, các tỉnh đều nhận thấy vai trò quan trọng của cảng hàng không, đều thấy được nút thắt về hạ tầng trong đó có cảng hàng không để tập trung tháo gỡ.
Việc thực hiện phương án huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP là đúng và cần thiết, bởi nhu cầu đầu tư và nguồn vốn rất lớn nhưng nguồn lực công còn hạn chế, chỉ tập trung được cho các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế
>>>Lo “hụt hơi”, ACV đầu tư sân bay thông minh
Phân quyền mạnh mẽ cho địa phương
Đại diện tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GTVT ủy quyền cho các địa phương điều chỉnh chi tiết quy hoạch, việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Bên cạnh đó, Nghệ An kiến nghị quy hoạch cần có tầm nhìn dài hơn, rút bài học kinh nghiệm như nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh từ năm 2015 mà đến nay đã quá tải.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, với việc đầu tư cảng hàng không mới, có vốn đầu tư lớn, trong khi hầu hết các cảng hàng không có quy mô công suất nhỏ, doanh thu thấp nên phương án tài chính BOT thường có tính khả thi không cao, thời gian hoàn vốn dài (khoảng 47-50 năm).
Theo một chuyên gia hàng không, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bay không đơn giản vì nguồn vốn lớn, từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng với sân bay công suất dưới 2 triệu hành khách mỗi năm, trong khi đó nguồn thu từ phí không lớn. Nếu sân bay phục vụ 2 triệu khách, nhà đầu tư mới thu được khoảng 200-250 tỷ đồng mỗi năm, tính cả chi phí khấu hao và vận hành thì phải qua hàng chục năm mới thu hồi được vốn.
Các năm đầu, sân bay thường không đạt công suất, nhất là ở miền núi, nơi nhu cầu đi lại không cao. Hiện nay nhiều cảng hàng không vẫn chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Tuy Hòa, Chu Lai... "Địa phương cần giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn xây sân bay", chuyên gia nói.
Vì vậy để có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng cần có sự hỗ trợ vốn phù hợp của Nhà nước (Trung ương và địa phương) trong giai đoạn đầu tư và thậm chí cả trong giai đoạn khai thác.
Mặc dù cũng khẳng định đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển KTXH của địa phương và đất nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, các thủ tục đầu tư còn chồng chéo, rườm rà. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực đầu tư cảng hàng không còn chậm dù Chính phủ đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng cảng hàng không.
Phó Thủ tướng yêu cầu “tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cảng hàng không”.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.
Giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, bảo đảm quy mô phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng thêm sân bay: Không thể duy ý chí!
05:00, 08/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế
20:13, 07/09/2022
Lo “hụt hơi”, ACV đầu tư sân bay thông minh
08:52, 01/09/2022
Thêm dự án BOT và sân bay triển khai thu phí không dừng
00:58, 29/08/2022
Tiến độ sân bay quốc tế Long Thành sẽ về đúng đích!
19:29, 16/08/2022