Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chờ “lột xác”
Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng sẽ được nâng cấp và có thể kết nối thông suốt từ Lào Cai với cảng Lạch Huyện.
>>>Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành: Cần đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ?
>>>Bộ Giao thông Vận tải nói gì về tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân?
Hơn thế kỷ… thăng trầm
Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng. Tuyến này được thực dân Pháp khởi công xây dựng từ năm 1901. Ngày 16/6/1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác.
Đây là tuyến một trong những tuyến đường sắt đầu tiên cả nước và cũng là tuyến đường sắt duy nhất nối liền đến cảng biển hiện còn đang khai thác.
Tuy nhiên, cùng hơn 1 thế kỷ qua, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng vẫn tồn tại như thuở ban đầu. Ngoài những nâng cấp đầu máy, thiết bị,…phần cốt lõi là đường ra thì vẫn duy trì ở khổ 1m. Đây cũng chính là trở ngại trong phương án kết nối tuyến vận tải đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai đi Trung Quốc.
Về hiệu quả khai thác, đây có lẽ là tuyến đường sắt hiệu quả nhất toàn hệ thống khi khai thác đồng bộ cả vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa. Khi cảng Hoàng Diệu chưa chính thức “khai tử”, tuyến đường sắt kết Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai vẫn đảm nhiệm khối lượng vận chuyển hàng hóa trên 1 triệu tấn/năm. Đặc biệt là hàng tổng hợp như quặng, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi…
>>>Bộ GTVT nói gì về dự án đường sắt hơn 7000 tỷ đồng Yên Viên - Hạ Long?
Lượng hành khách đi tàu hỏa tuyến Hà Nội – Hải Phòng mấy năm trở lại đây có khả quan hơn với khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu lượt hành khách.
Được đánh giá là tuyến vận tải chiến lược, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai đã nhiều lần được cân nhắc để “lột xác”. Điển hình, năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã có phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn 1.435m, có tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng, lộ trình dự kiến nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt này giai đoạn sau 2020.
Khi đó, Bộ GTVT đã làm việc với đơn vị tư vấn phía Trung Quốc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này, đồng thời làm việc với các địa phương, để lấy ý kiến thỏa thuận về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga… làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.
Theo quy hoạch do liên danh tư vấn Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) và Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, TP từ Lào Cai đến Hải Phòng dài khoảng gần 390 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km, xây dựng theo hướng đông, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài tổng cộng 25 km, 38 nhà ga (29 ga xây mới). Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được Chính phủ Trung Quốc viện trợ.
Tuy nhiên, phương án trên được đánh giá là lãng phí, kém hiệu quả và bị chìm vào quên lãng.
Thêm lần nữa…”lột xác”
Mới đây, ông Đặng Sỹ Mạnh - TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty Nippon Koei do ông Hirofumi Mori, Trưởng đại diện VP Nippon Koei tại Việt Nam làm trưởng đoàn về nâng cấp tuyến ĐS Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, Công ty Nippon Koei đề xuất hai phương án đầu tư đối với việc nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, trong đó ưu tiên mục tiêu kết nối thông suốt đến cảng Lạch Huyện và kết nối với Lào Cai.
Tại buổi làm việc, Công ty Nippon Koei thông báo về kết quả khảo sát và đề xuất các phương án đầu tư đối với việc nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, trong đó ưu tiên mục tiêu kết nối thông suốt đến cảng Lạch Huyện và kết nối với Lào Cai.
Cụ thể, sau gần 6 tháng khảo sát, công ty trên đưa ra 2 phương án lựa chọn. Thứ nhất, thực hiện thứ tự ưu tiên các công trình nâng cấp theo từng mục tiêu cụ thể, như tăng tính an toàn sau đó nâng cấp ray, cơ sở hạ tầng,... Thứ hai, cải thiện nâng cấp tốc độ chạy tàu an toàn, sau đó thực hiện các mục tiêu nhỏ.
TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, có 2 lựa chọn để ưu tiên đầu tư. Thứ nhất, chuẩn bị đầu tư tuyến mới là đường sắt đôi điện khí hoá, chủ yếu vận chuyển hàng trong nước và quốc tế. Thứ hai, nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt hiện tại với khổ đường đơn, vận chuyển cả khách và hàng.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện tại có nhu cầu vận tải khách cao, tuy nhiên còn nhiều điểm nghẽn hạ tầng nên thời gian chạy còn dài, cộng với áp lực cạnh tranh từ đường bộ,... Do đó, nên ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến hiện tại để tăng năng lực vận chuyển hành khách, giảm thời gian vận chuyển xuống khoảng hơn 1h, đảm bảo vận hành an toàn, kết nối tốt tới các ga.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn đẩy nhanh việc triển khai các tuyến này càng sớm càng tốt. Vì vậy, hai bên tiếp tục khảo sát thêm tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng với mục tiêu tối ưu nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại, cải thiện hành lang an toàn, phương tiện đường sắt,… sau đó sẽ trình lên Bộ Giao thông vận tải.
Mặc dù chưa đưa ra con số chi phí đầu tư cho lần nâng cấp này. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá mức đầu tư cho lần nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng này sẽ hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm