Dự án Vành đai 4 TP.HCM: “Bối rối” trong khâu thực hiện?
Dự án Vành đai 4 TP.HCM là một trong những dự án trọng điểm nằm trong danh sách đề xuất phương án gỡ khó. Tuy nhiên, khâu lựa chọn cơ quan điều phối chung, lại khiến nhiều địa phương “bối rối”.
>>TP.HCM: Đầu tư 100.000 tỉ đồng đường vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư PPP
“Bối rối” trong khâu thực hiện?
Theo quy hoạch, dự án Vành đai 4 TP.HCM với tổng chiều dài gần 200 km đi qua 5 tỉnh, thành, là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện các địa phương đang nỗ lực hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo kế hoạch trong năm nay. Song dự án Vành đai 4 TP.HCM đang phải đối mặt rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc lựa chọn cơ quan điều phối chung để đảm bảo đồng bộ khi triển khai dự án lại khiến nhiều địa phương “bối rối”.
Theo báo cáo của tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu khái toán kinh phí dự án trên 10.000 tỉ đồng, thuộc dự án nhóm A cần thông qua Quốc hội. Vì thế, TP.HCM cùng 4 tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất kiến nghị Bộ GTVT là cơ quan điều phối chung để đảm bảo đồng bộ khi triển khai dự án. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lại đề xuất Thủ tướng giao tỉnh Long An là cơ quan điều phối trên cơ sở đây là địa phương có đoạn Vành đai 4 dài nhất đi qua.
Về cơ sở giao cho Long An, ông Nguyễn Văn Thắng, cho rằng: Theo kinh nghiệm đã triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội, dự án mang tính chất liên vùng, đi qua nhiều địa phương, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành và trên Trung ương có Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng làm trưởng ban.
Theo ông Thắng, Bộ GTVT thực chất không liên quan quá nhiều. Nếu để Bộ GTVT là cơ quan chủ trì thì sau mỗi cuộc họp, bất cứ vướng mắc, khó khăn nào cần phản ánh sẽ phải qua một khâu trung gian là Bộ GTVT, trước khi báo cáo lên Ban Chỉ đạo. Chưa kể, địa phương cũng là cơ quan chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy để thuận lợi nhất cho công tác triển khai dự án, nên để địa phương làm cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT, giao tỉnh Long An điều phối thực hiện dự án Vành đai 4 TP.HCM.
Đáng chú ý, theo Quyết định số 1698 do Thủ tướng ban hành ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP.HCM, Bộ GTVT được giao trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện dự án này. UBND các tỉnh, TP có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.
Ðến tháng 7/2021, theo đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã đồng ý giao UBND các địa phương chủ trì quản lý đầu tư dự án hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ GTVT vẫn giữ vị trí điều phối tổ chức, tổng hợp tình hình triển khai các dự án và báo cáo Phó thủ tướng định kỳ 6 tháng.
Ngoài ra, Bộ GTVT còn được giao nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo chung do một lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban chỉ đạo, cùng với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan để điều phối chung.
>>5 địa phương cùng làm đường vành đai 4 TP.HCM
… và lựa chọn cơ quan điều phối?
Liên quan tới việc đề xuất của Bộ GTVT với Thủ tướng về việc giao cho tỉnh Long An làm cơ quan điều phối, trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Long An cho biết: Hiện tỉnh Long An vẫn chưa nhận được chỉ đạo bằng văn bản của Thủ tướng hay Bộ GTVT về vấn đề này. Theo kế hoạch, Long An cũng như các địa phương còn lại chỉ là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án thành phần đoạn đi qua tỉnh. Vành đai 4 là dự án trọng điểm cấp quốc gia, một địa phương rất khó để làm cơ quan tổ chức điều phối.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Long An, hiện công trình Đường tỉnh (ĐT) 830E thuộc dự án Vành đai 4 TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thi công. Dự án đi qua địa bàn huyện Bến Lức và Cần Đước với chiều dài trên 9,3 km, điểm đầu tại nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc xã An Thạnh, H.Bến Lức và điểm cuối tại nút giao với ĐT830 thuộc xã Long Định, H.Cần Đước. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành Vành đai 4, cùng lúc thông xe phần cao tốc tuyến Vành đai 3, để sẵn sàng về đích mạng lưới giao thông trọng điểm kết nối với TP.HCM cùng các địa phương, đột phá kinh tế từ 2026.
Về phía TP.HCM, đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo thiết kế, và chức năng nhiệm vụ được giao triển khai tại dự án Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM, với chiều dài khoảng 17 km từ đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai. Hiện nay, các đơn vị đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, và hiện chủ yếu tập trung nghiên cứu phương án điều chỉnh hướng tuyến để giảm chi phí giải phóng mặt bằng và phát huy hiệu quả khai thác quỹ đất. Phương án đang được đề xuất là tuyến được nắn chỉnh khoảng 14,1 km về phía nam để tránh các đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Tuyến cắt ngang qua Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Tổng kinh phí khoảng 13.600 tỉ đồng, mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện giảm 4.000 tỉ đồng, còn khoảng 22.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM đề xuất TP đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai (nối TP.HCM - Long An) để dự án được đồng bộ.
Phân tích về việc lựa cho cơ quan điều phối, PGS-TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Ðức, cho rằng: Về nguyên tắc, một dự án hạ tầng mang tính chất kết nối vùng phải thuộc cơ quan điều phối vùng tiếp nhận và có trách nhiệm phát triển. Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa có cơ quan quản lý vùng. Cũng rất khó để so sánh Vành đai 4 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội. Mặt khác, Thủ đô TP.Hà Nội là trung tâm và có thể lãnh đạo toàn vùng. Các đề xuất liên quan chính quyền đô thị và thành lập cơ quan điều phối vùng của TP.HCM vẫn chưa được hình thành nên không thể áp dụng phương thức triển khai giống Hà Nội. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ quan điều phối vùng chưa có thì phải có các lựa chọn khác cho vai trò điều phối.
"Vì vậy, Chính phủ có thể lựa chọn các phương án, như: Lựa chọn 1, giao cho TP.HCM với vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để làm cơ quan điều phối vùng đối với các dự án hạ tầng mang tính chiến lược. Đơn cử, dự án Vành đai 4 hoặc các tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành xung quanh. Lựa chọn thứ 2 là Chính phủ giao cho một bộ đóng vai trò là cơ quan quản lý các hạ tầng cấp vùng, cấp quốc gia, cụ thể là Bộ GTVT. Lựa chọn thứ 3 trong trường hợp cấp bách, Chính phủ có thể thành lập một Ban hoặc Hội đồng chuyên trách quản lý việc phát triển hạ tầng cho một vùng quan trọng. Bởi, với các dự án liên vùng, phải có "nhạc trưởng" điều phối" - PGS.TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Gỡ vướng Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
21:31, 21/02/2023
Lập Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo NCKT Dự án thành phần 3 đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
19:10, 20/02/2023
Hà Nội công bố chỉ giới đường đỏ Vành đai 4, đoạn quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà
15:32, 01/12/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khởi công xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023
20:22, 18/08/2022
TP.HCM: Đầu tư 100.000 tỉ đồng đường vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư PPP
01:26, 10/08/2022