“Đánh thức” tiềm năng miền núi, biển đảo
Cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng là yêu cầu tiên quyết để đa dạng các hình thức huy động nguồn lực xã hội.
>>Không ngồi chờ chiến lược du lịch biển đảo
Chia sẻ với DĐDN về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, PGD TS Nguyễn Chu Hồi Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng cho rằng, chỉ có huy động tốt nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng miền núi và biển đảo thì mới “đánh thức” được không gian phát triển tiềm năng này.
- Đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 13 là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục công cuộc cải cách các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng… thưa ông?
Mười năm nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 là một nhiệm vụ quan trọng. Đây là một chủ trương đúng đắn, có tầm vóc chiến lược, không chỉ đến năm 2020, mà cần tiếp tục triển khai trong những năm tới và bối cảnh mới.
10 năm qua, nhờ việc xem hạ tầng là yếu tố nền tảng, đặc biệt quan trọng và cần phải đi trước một bước so với các hoat động phát triển, nên Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Chính vì thế, bộ mặt đất nước thay đổi khang trang, hiện đại và công nghiệp hoá.
Tuy nhiên, bên cạnh tạo ra thế và lực mới cho đất nước, quá trình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết này cũng rút ra nhiều bài học thực tiễn, nhất là những bài học về những hạn chế, yếu kém.
Các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị gần đây triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã đặt ra bối cảnh mới cho đất nước trong một thế giới chuyển đổi nhanh chóng và khó lường.
Vì vậy, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đặt ra những yêu cầu mới đối với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhằm hiện thực hoá các nghị quyết mới đây của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phải cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… đối với các dự án kết cấu hạ tầng.
>>Du lịch biển đảo cần động lực mới
>>Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo
- Đâu là những yêu cầu cần ưu tiên trong công tác cải cách thời gian tới, thưa ông?
Ưu tiên triển khai thực hiện sớm, bảo đảm chất lượng và tiến độ đối với các dự án kết cấu hạ tầng luôn là một đòi hỏi bắt buộc từ phía Chính phủ và cũng là sự mong đợi của Nhân dân cả nước, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn về nguồn lực đầu tư.
Cho nên, cần phải cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… nhằm loại bỏ những thủ tục rườm rà, lối làm ăn quan liêu. Qua đó, chúng ta mới huy động được các nguồn lực trong xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng.
Cải cách triệt để các thủ tục hành chính cũng là cách tháo gỡ các nút thắt trong quản lý nhà nước đối với việc triển khai các dự án kết cấu hạ tầng để thúc đẩy tiến độ, để cung cấp cơ hội và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các lĩnh vực, để tăng cường liên kết vùng, tạo ra không gian phát triển mới…
- Vậy, theo ông chúng ta cần xác định những điểm đột phá như thế nào trong từng lĩnh vực hạ tầng?
Phát triển kết cấu hạ tầng 10 năm qua tập trung ưu tiên cho giao thông, thuỷ lợi, kết nối khu công nghiệp… và đầu tư chủ yếu vào vùng đồng bằng, dọc tuyến bắc nam, một phần là trung du.
Đặc biệt, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiến trúc hạ tầng cho các không gian phát triển nói trên, cần chú ý đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng miền núi và biển đảo để “đánh thức” không gian phát triển tiềm năng này.
Qua đó, tiến hành tổ chức lại lãnh thổ trên toàn quốc, bao gồm lãnh thổ đất liền và biển đảo - là một sứ mạng mang tầm chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Bên cạnh đó, chú ý liên kết các tiểu vùng và giữa các địa phương để phát huy thế mạnh phát triển dựa trên các đặc trưng vùng miền.
Ngoài đầu tư theo vùng, tiểu vùng, cần chú ý đến đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển triển ngành, lĩnh vực; gắn phát triển kinh tế - xã hội với an ninh - quốc phòng, với an sinh xã hội để tăng cường sức dân.
- Ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong quá trình phát triển, thời gian tới?
Như trên đã nói, kết cấu hạ tầng cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tuy nhiên để hệ thống kết cấu hạ tầng không trở thành “điểm nghẽn” của quá trình phát triển, theo tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
Bảo đảm hệ thống kiến trúc hạ tầng dựa trên cách tiếp cận lãnh thổ và tiếp cận liên ngành phải được tích hợp và thể hiện trong các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đồng thời được cụ thể hoá trong các quy hoạch ngành và tỉnh.
Tránh “hội chứng” và “cào bằng” trong quy hoạch và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.
Để bảo đảm hệ thống kết cấu hạ tầng phải có chất lượng, đồng bộ và hiện đại, chúng ta nên thành lập “Bộ Kiến trúc hạ tầng” trên cơ sở liên kết một số bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan để thống nhất quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng và tăng cường quản trị liên ngành sau đầu tư (hậu quản) đối với hệ thống kết cấu hạ tầng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Gỡ thẻ vàng IUU cần đầu tư hạ tầng, số hóa
04:00, 20/04/2023
Nhật Bản: Du khách lớn “áp đảo” cơ sở hạ tầng
18:11, 19/04/2023
Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp
02:21, 18/04/2023
Việt - Áo củng cố quan hệ với điểm nhấn công nghệ và cơ sở hạ tầng
21:48, 17/04/2023
Cần cơ chế đặc thù xã hội hóa hạ tầng giao thông
02:00, 10/04/2023
Khánh Hòa: Hạ tầng giao thông đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư
19:50, 01/04/2023