Nỗi khổ nhà thầu xây dựng
Chủ đầu tư chậm thanh toán khiến nợ đọng kéo dài đã “đẩy” các doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước nguy cơ phá sản.
>>> Nhà thầu xây dựng lao đao vì nợ đọng
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: VACC đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo kịp thời tới các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ, từng bước xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng, không để tình trạng này kéo dài mãi.
- Nợ đọng xây dựng đang đang quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng như vậy! Nợ đọng xây dựng khá phổ biến, đã kéo dài từ nhiều năm nay và đang trở nên trầm trọng ở các doanh nghiệp trong VACC, dù ở doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90% trong tổng số khoảng 2.000 doanh nghiệp xây dựng Việt Nam).
Nợ đọng xây dựng phân thành 2 loại. Một là nợ công trình vốn đầu tư công. Các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 20% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng. Thực tế có những dự án đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều năm song vẫn chưa quyết toán được. Nguồn vốn mỏng, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tạm ứng của chủ đầu tư và vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 9 - 10%/năm để trang trải thi công.
Nợ đọng lớn khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị sụt giảm. Trong 3 tháng đầu năm nay, có doanh nghiệp đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp, xấp xỉ 10 tỷ đồng. Nếu không thu hồi nợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản.
- Các doanh nghiệp có thể thực hiện giải quyết tranh chấp về nợ bằng biện pháp khởi kiện, thưa ông?
Hợp đồng giữa chủ đầu tư với doanh nghiệp xây dựng là hợp đồng dân sự, với những chủ đầu tư bất hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán các khoản tồn đọng thì khởi kiện là biện pháp đương nhiên. Các doanh nghiệp trong VACC như Tập đoàn Hòa Bình, Công ty Delta… đã giải quyết tranh chấp về nợ bằng biện pháp khởi kiện. Tuy nhiên, việc khởi kiện không dễ, thủ tục phức tạp và dự án có thể lại tiếp tục kéo dài hơn. Đây là giải pháp cuối cùng mà các doanh nghiệp lựa chọn để xử lý nợ đọng xây dựng.
Chính vì vậy, trước khi tính đến việc khởi kiện, các cơ quan có thể hạn chế nợ đọng xây dựng bằng các quy định pháp luật chặt chẽ hơn. Cụ thể, với nợ đọng ở công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách, VACC kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư có bảo lãnh thanh toán cho 20% vốn thanh toán cuối dự án; xem xét điều chỉnh các loại hình hợp đồng phù hợp với thông lệ quốc tế (FIDIC) là dạng hợp đồng trọn gói chỉ được áp dụng khi các yếu tố đầu vào được xác định rõ ràng cộng với tiến độ chỉ thực hiện trong vòng 24 tháng.
Bên cạnh đó, VACC kiến nghị các cơ quan chức năng thống kê các chủ đầu tư cố tình trốn tránh không thực hiện thanh toán nợ đọng để công bố công khai trên website của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành để các chủ đầu tư này “hết cửa” quay lại địa phương đó. Như vậy, mới nâng cao ý thức các chủ đầu tư.
Trong trường hợp các cơ quan chức năng chưa thực hiện đề xuất này, các nhà thầu xây dựng phải cân nhắc phương án lập danh sách “đen” bêu tên các chủ đầu tư chây ì để tự cứu mình.
- Tình trạng nhiều doanh nghiệp xây dựng “quay lưng” với dự án có sử dụng vốn ngân sách cơ bản cũng vì nợ đọng, thưa ông?
Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách, tiến độ công việc vẫn phải đảm bảo nhưng khi hoàn thành, rất khó thanh toán. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Thậm chí, nhiều cán bộ còn nói, đầu tư công tiền đang tiêu không hết, làm gì có chuyện nợ. Thực tế đúng là không phải thiếu tiền mà chủ yếu là do thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, cần các cấp đủ thẩm quyền phê duyệt. Những gói thầu phát sinh thêm hạng mục thì thủ tục thanh quyết toán càng phức tạp hơn.
Có không ít doanh nghiệp sợ nợ đầu tư công. Với nợ đọng ở các công trình này, VACC kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát toàn bộ nợ đọng đầu tư công từ trước đến nay để có biện pháp xử lý dứt điểm, giải quyết tồn đọng còn tắc lại. Thực tế, có nhiều công trình thời gian nợ đọng kéo dài nhiều năm. Bây giờ các cơ quan chỉ quan tâm những dự án trước mắt, còn dự án cũ thì vẫn tồn chưa thể thanh toán được.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm