Tổ công tác của Thủ tướng gỡ khó cho thị trường bất động sản đang làm gì?
Tổ công tác của Chính phủ ngay sau khi thành lập đã họp và triển khai kế hoạch làm việc với địa phương, doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn, vướng mắc.
>>> Lập tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý.
Đầu tiền là nguồn cung đã có chiều hướng giảm. Thứ hai, hoạt động giao dịch bất động sản có trầm lắng, tính thanh khoản trên thị trường giảm. Đặc biệt, tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động đầu tư dự án, lao động phải nghỉ việc...
Đứng trước những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời thành lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản với mục đích làm việc với các địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động của thị trường, đảm bảo sự ổn định.
Thứ trưởng Sinh cho biết, ngay sau khi được thành lập, tổ đã họp và làm việc với UBND TP HCM, Hà Nội và một số doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe vướng mắc.
Bước đầu Tổ công các nhận thấy một số khó khăn liên quan đến thể chế, thủ tục đầu tư và vấn đề tài chính. Với khó khăn liên quan đến thể chế, trong đó có vướng mắc liên quan đến đất đai, như giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất.
Khó khăn về liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư với các dự án nhà ở, đô thị đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Theo ông Sinh, nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính do nguồn vay tín dụng, trái phiếu đến hạn phải trả dẫn tới khó khăn trong thực thi các dự án…
Đứng trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tổ công tác này làm việc trực tiếp, trao đổi tại địa phương, doanh nghiệp. Với những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền và đã có quy định, tổ công tác hướng đã hướng dẫn ngay đồng thời tổng hợp, phân nhóm các vấn đề khó khăn để làm rõ, tìm hướng giải quyết.
>>> Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì “khát vốn"
Đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương thì tổ rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước kiến nghị của doanh nghiệp, tổ công tác phân loại, sàng lọc nội dung, gửi trực tiếp cho các địa phương, đôn đốc địa phương giải quyết, không chỉ tại Hà Nội, TPHCM mà cả các địa phương khác.
Liên quan tới những khó khăn thuộc thẩm quyền các bộ ngành, tổ công tác cũng phân nhóm vấn đề để gửi các bộ ngành liên quan, giải thích, phân tích cho khó khăn.
Đặc biệt, với một số nội dung khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tổ công tác phối hợp các địa phương đánh giá kỹ, đề xuất với Chính phủ giải quyết khó khăn kịp thời.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, tổ công tác làm việc với 5 địa phương thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp có dự án bất động sản lớn để nắm bắt đầy đủ thông tin, kịp thời, khách quan… thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác “đặc biệt” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng và 7 thành viên là thứ trưởng các bộ, ngành liên quan.
Cộng đồng nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp bất động sản đang rất kỳ vọng Tổ công tác sẽ có những giải pháp đột phá để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thị trường hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ việc khơi thông dòng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp là biện pháp thực sự cần thiết tuy nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ trước mắt, còn về giải pháp hỗ trợ căn cơ, mang tính bền vững, giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lực, sớm vực dậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn là câu chuyện khơi thông thủ tục pháp lý dự án.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Giải quyết vấn đề pháp lý và vốn cho thị trường bất động sản
03:00, 30/11/2022
Khu vực nào đang hút vốn đầu tư trên thị trường bất động sản?
16:56, 28/11/2022
Ngân hàng Trung Quốc "bơm” tiền giải cứu bất động sản
14:10, 28/11/2022
Thực hư giảm giá bất động sản
03:00, 26/11/2022
Thị trường bất động sản Việt Nam vững vàng hay mong manh?
03:00, 25/11/2022
Động thái mới trên thị trường bất động sản: Hoạt động tái cấu trúc, sàng lọc, M&A diễn ra mạnh
15:38, 24/11/2022