Không để tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
Việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến người dân đang gây nên những hệ lụy lớn cho hạ tầng đô thị. Nguyên nhân từ quy định về lấy ý kiến người dân còn chung chung và thiếu chế tài xử lý.
Mới đây, nhiều dự án trên địa bàn TP HCM bị phản ánh tùy tiện điều chỉnh quy hoạch gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Trong đó, tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), người dân cho biết sẽ khởi kiện cơ quan chức năng của TPHCM vì đã cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch dự án mà không lấy ý kiến người dân. Hệ quả từ dự án được cấp phép là 232 căn hộ, sau khi hoàn thành đã tăng hơn 177 căn so với quy hoạch ban đầu.
Tương tự, tại chung cư Oriental Plaza (quận Tân Phú), chủ đầu tư là công ty Sơn Thuận cũng đã tùy tiện thay đổi công năng, xây dựng thêm 43 căn hộ so với quy hoạch đã được duyệt.
Việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cũng đã để lại nhiều hệ lụy cho TP HCM. Trong đó, bài học nhãn tiền là con đường Nguyễn Hữu Cảnh trở thành "rốn ngập" của thành phố khi chỉ có chiều dài hơn 3km nhưng phải chịu sức tải tới 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư.
Có thể bạn quan tâm |
Theo LS Trần Đức Phượng (đoàn luật sư TP HCM), Luật Quy hoạch năm 2019 và Nghị định số 37/2019 quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch đã nêu quy định về trách nhiệm tổng hợp ý kiến và giải trình của cơ quan lập quy hoạch, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi trình thẩm định quy hoạch.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc xảy ra khi quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận. Do đó, các mẫu xin ý kiến cộng đồng không theo bất kỳ phom mẫu chung nào, thậm chí bỏ qua bước này dẫn đến sau khi điều chỉnh, người dân mới biết được quy hoạch thay đổi ảnh hưởng như thế nào đến hạ tầng cũng như chất lượng sống.
Vị luật sư đề xuất, cần phải quy định rõ về phạm vi được lấy ý kiến trong quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời, cần quy định quy trình và các hình thức lấy ý kiến người dân để phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng địa phương, nhưng vẫn đảm bảo khung quy định thống nhất chung.
“Cần giải thích rõ cụm từ “cá nhân”, “cộng đồng dân cư” được lấy ý kiến trong quy hoạch xây dựng đô thị bao gồm những ai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót đối tượng cần lấy ý kiến. Cần có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận bắt buộc để nhiệm vụ và đồ án quy hoạch được thông qua” – luật sư Trần Đức Phượng cho biết.
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng nhận định, sự tham gia của cộng đồng trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị được khẳng định là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực trong phát triển đô thị.
Do vậy rất cần cơ quan chức năng sớm gỡ vướng bằng việc hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện để bảo đảm sự tham gia thực chất của cộng đồng trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Lực đẩy cho bất động sản phía tây Thủ đô
16:00, 24/03/2022
Giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế bất động sản
12:39, 21/03/2022
Bất động sản tăng giá theo lạm phát và lời khuyên để tránh “chết trên đống tài sản”
12:04, 21/03/2022
Bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc sau ngày Việt Nam mở cửa du lịch
11:20, 21/03/2022