Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, thổi giá.
>>> Chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất vàng
Phát biểu tại "Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, công tác đấu giá đất còn một số hạn chế, tồn tại như: Hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá.
Xác định giá đất còn chậm
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về việc đấu giá viên quyết định dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm hàng nhưng trên thực tế rất khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tao mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi….
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đấu giá đất còn chưa cụ thể, chồng chéo. Cụ thể là quy định chưa rõ ràng việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực. Quy định người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phạt chậm nộp hay hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...
Có thể bạn quan tâm |
Đánh giá về chính sách và tình hình định giá đất, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số địa phương đã tổ chức làm tốt công tác định giá đất cụ thể, lồng ghép việc xác định giá đất cụ thể trong quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác xác định giá đất tại một số địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai; giá đất cụ thể vẫn còn thấp hơn giá đất phổ biến trên thị trường nên vẫn còn tình trạng khiếu kiện trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giá đất cụ thể xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, thu nhập, chiết trừ, thặng dư còn có sự chênh lệch với phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trong một số trường hợp.
Thị trường quyền sử dụng đất chưa minh bạch, thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiêu chính xác, tin cậy, nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất gây khó khăn cho công tác xác định giá đất.
Khung giá đất do Chính phủ quy định còn thấp so với giá thị trường dẫn đến một số trường hợp bảng giá đất bị vướng trên khung giá đất. Quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan, yếu tố chuyên môn để quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan. Việc quy định nội dung, áp dụng phương pháp định giá đất chưa thực sự cụ thể, chưa quy định nguyên tắc ưu tiên trong áp dụng phương pháp định giá đất.
Chưa có quy định về cơ quan giám sát việc ban hành bảng giá đất, định giá đất cụ thể phù hợp với thị trường; xây dựng, công bố chỉ số biến động giá đất thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.
Bổ sung nhiều chế tài xử phạt
Để giải quyết các tồn tại, hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sẽ ban hành trong thời gian tới), cụ thể:
Về đấu giá quyền sử dụng đất: Quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với số vốn đầu tư đến khi hoàn thành dự án.
Về định giá đất: Quy định giá đất xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư không được thấp hơn giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cụ thể:
Về đấu giá quyền sử dụng đất: Tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá; bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đâu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.
Bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, thổi giá. Quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Có chính sách tạo cơ chế thuận lợi cho việc thu hồi đất theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và làm nhiệm vụ bình ổn giá đất khi thị trường có dấu hiệu sốt đột biến.
Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất
Về định giá đất: Hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; hoàn thiện và bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.
Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất; Quy định tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Quy định bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan.
Sửa đổi, bổ sung phương pháp định giá đất (quy định tại Nghị định) và nội dung, điều kiện áp dụng, nguyên tắc ưu tiên khi áp dụng các phương pháp định giá đất cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Về tổ chức thực hiện, cần thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó: việc xác định giá đất cụ thể phải căn cứ vào nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 112 của Luật Đất đai, phương pháp định giá đất và kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, giá đất thị trường;.
Công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các dự án đã được phê duyệt theo quy định để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất tại các địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất.
Có thể bạn quan tâm
4 nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người": Bài học về lỗ hổng đấu giá đất
10:10, 07/07/2022
TP.HCM sẽ chấm dứt hợp đồng với hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm
17:40, 06/07/2022
Chặn “thả nổi” đấu giá đất
11:30, 02/07/2022
Xác định giá đất theo thị trường
03:00, 02/07/2022
Động thái mới vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Nguy cơ doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người"
12:04, 30/06/2022