Tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội

TS. TRẦN MINH TÙNG (*) 03/08/2022 11:30

Trong tương lai, Hà Nội phải là một đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, và quan trọng nhất là tạo hiệu ứng lan toả, xứng đáng với vị thế của một thành phố lịch sử.

>>> Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030: 4 vấn đề cần lưu ý

“Để xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - đây chính là lý do mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Pháp lệnh Thủ đô vào năm 2000.

Trần Minh Tùngp/Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựngp/Hà Nội

Ông Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Nhìn lại sự phát triển của Luật Thủ đô từ lịch sử

Vào thời điểm đó, Pháp lệnh Thủ đô như một tiền đề pháp lý quan trọng nhằm xác định vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách hợp tác, đầu tư cũng như những quy định về cách thức quản lý, trách nhiệm của các cấp, ban ngành trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô - được xác định không chỉ là nhiệm vụ của nhân dân Thủ đô mà còn là của cả nước.

Pháp lệnh Thủ đô 2000 đã cho thấy vai trò quan trọng của văn bản pháp lý này trong giai đoạn 2000-2010 - một thời kỳ được xem là bản lề đối với phát triển hiện đại của Thủ đô giữa hai thời điểm quan trọng: Năm 2000 khi bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba trong lịch đại của nhân loại, và năm 2010 khi đánh dấu thiên niên kỷ thứ hai trong lịch sử của riêng Hà Nội kể từ khi thành phố chính thức trở thành thủ đô của Việt Nam vào năm 1010.

Có thể nói năm 2010 rất có ý nghĩa khi thành phố nghìn năm tuổi này đã thể hiện rõ ràng hơn những động thái, mong muốn bứt phá phát triển để thành một trong hai siêu đô thị - là những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, hòa nhập vào mạng lưới và dòng chảy đô thị thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    05:00, 20/03/2022

  • Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    05:00, 10/12/2021

Từ đó, năm 2012, Pháp lệnh Thủ đô đã được Quốc hội chính thức thay thế bằng Luật Thủ đô nhằm nâng cao và hoàn thiện hơn các quy định pháp lý trong việc điều chỉnh các vấn đề xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo tính ổn định cao về mặt thể chế.

Nhìn lại một thập kỷ từ khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, thành phố đã huy động được nguồn vốn đầu tư tương đối lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Đời sống văn hóa, tinh thần, an sinh, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân được bảo đảm và nâng cao.

Nhiều chính sách trong quản lý quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển nhà ở và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đã triển khai. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Thủ đô ngày càng xứng đáng hơn với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Luật Thủ đô nhìn từ các vấn đề quy hoạch, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị

Ngay từ Pháp lệnh Thủ đô 2000 đã có những quy định về quản lý quy hoạch Thủ đô thể hiện trực tiếp trong Điều 11 và gián tiếp trong các điều khác thuộc Chương 3 khi đề cập đến việc quản lý và xây dựng, phát triển đô thị của Thủ đô.

Đến Luật Thủ đô 2012, bởi yêu cầu thực tế, vấn đề này được làm rõ hơn, thể hiện trực tiếp trong các Điều 8 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Điều 9 về các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, Điều 10 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị và gián tiếp trong các điều khác thuộc Chương 2 với các nội dung xoay quanh các vấn đề về chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Sau khi Thủ đô được mở rộng vào năm 2008, Luật Thủ đô 2012 cũng được xem là một khung pháp lý quan trọng trong việc quy hoạch và quản lý không gian kiến trúc đô thị, đặc biệt từ khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 với nhiều quan điểm và tư tưởng mới so với các bản quy hoạch trước đó của Hà Nội.

Thủ đô ngày càng xứng đáng hơn với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thủ đô ngày càng xứng đáng hơn với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Như vậy, giữa Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã cho thấy một mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau. Một mặt, Luật Thủ đô như một nền tảng pháp lý quan trọng và hiệu lực tối cao để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ Quy hoạch chung và phát triển toàn diện các không gian kiến trúc đô thị theo đúng những chiến lược mà quy hoạch đã đặt ra. Mặt khác, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội chính là một trong những cách thức cụ thể hóa và hiện thực hóa trách nhiệm xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước mà Luật Thủ đô đã đề cập.

Chính vì vậy, trong Luật Thủ đô 2012 đã quy định việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự kết hợp chặt chẽ hai thể chế pháp lý này, dưới góc độ quy hoạch, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, Hà Nội vẫn chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển khi năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.

Các công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị còn chưa toàn diện, thiếu đồng bộ, thể hiện qua việc một số dự án kinh tế xã hội vi phạm các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch hay nhiều dự án đô thị lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.

Những vấn đề mới trong quy hoạch và phát triển đô thị 

Sau một thập kỷ 2011-2020 thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2011, với tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ hiện nay của Hà Nội, những yêu cầu mới về quy hoạch Thủ đô Hà Nội lại được đặt ra. Nói cách khác, quy hoạch Thủ đô cho thời kỳ 2021-2030 phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư, góp phần tạo sự đột phát về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.

Một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn mới là phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng như quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Như vậy, từ những văn bản pháp lý gần đây liên quan đến phát triển Hà Nội trong giai đoạn mới như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, những từ khóa quan trọng trong quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô trong thời gian tới được xác định sẽ là:

Một là đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Hai là thống nhất trong khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên quận huyện, các địa phương trên địa bàn Thủ đô nhằm đảm bảo sự phát triển lãnh thổ bền vững đồng đều.

Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội,

Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Thủ đô

Ba là liên kết công tác quy hoạch với các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Bốn là đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển nhằm thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố cũng như khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Năm là sáng tạo ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua các nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc.

Cuối cùng là chuyển đổi số trong quản lý bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu không chỉ trong quá trình lập quy hoạch mà còn cả trong việc phát triển đô thị, đảm bảo đúng quy hoạch thông qua các cơ chế phản hồi kịp thời và hiệu quả.

Như vậy, để thực hiện được sáu từ khóa quan trọng nói trên, Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới thay vì chỉ ở quy mô quốc gia như hiện nay.

Do đó, cần phải có những nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô 2012, từ đó đề xuất nội dung sửa đổi hoặc thậm chí là ban hành một Luật Thủ đô mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thành phố đặc biệt này.

Dưới góc độ quy hoạch, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, việc sửa đổi, điều chỉnh và cập nhật Luật Thủ đô cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị.

Như vậy, trong tương lai, Hà Nội phải là một đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, và quan trọng nhất là tạo hiệu ứng lan toả, xứng đáng với vị thế của một thành phố lịch sử. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có sự chuyển biến rõ nét và mạnh mẽ hơn ngay từ trong chính khung pháp lý cho riêng đô thị này mà các đô thị khác không có - Luật Thủ đô.

(*) Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

  • Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    05:00, 20/03/2022

  • Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    05:00, 10/12/2021

  • Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết

    Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết

    05:00, 18/11/2021

  • Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    14:12, 03/06/2019

  • "Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

    14:18, 10/01/2019

TS. TRẦN MINH TÙNG (*)