Tầm nhìn mới cho đô thị biển
Cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững.
>>> Khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững đô thị biển
Khái niệm về đô thị biển chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị bắt đầu từ năm 1991 khi Quyết định số 32-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ra đời.
Thiếu kiểm soát
Trải qua hơn 30 năm, khái niệm về đô thị đặc thù mới dừng lại ở việc quy định tiêu chí đối với đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo, mà chưa có định nghĩa, tiêu chí cho đô thị biển và nhiều đô thị chuyên ngành khác.
Điều này dẫn đến việc lúng túng trong triển khai từ khâu quy hoạch đô thị biển, xác định chức năng cho đô thị biển, vị trí và vai trò cho từng đô thị, chuỗi đô thị ven biển, quy định quy mô và hình thái phát triển của đô thị biển. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc phát triển đô thị biển thiếu kiểm soát, lãng phí nguồn lực, thiếu tính bền vững.
Đô thị biển ngoài chức năng của đô thị thông thường thì khi quy hoạch và đầu tư phát triển cần quan tâm xác định không gian phát triển hợp lý, không tạo ra sự chồng lấn, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngành kinh tế; xây dựng phân khu chức năng và phân bổ quỹ đất đảm bảo cho phát triển hiệu quả các ngành kinh tế, đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng đất, đồng thời quan tâm đến sinh hoạt và làm việc của người dân; quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho các đối tượng khác nhau và người dân địa phương được tiếp cận các dịch vụ du lịch, đảm bảo điều kiện tự nhiên của cảnh quan và trong sạch của môi trường.
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, một số đô thị biển hiện nay đang phát triển khá “nóng” tạo áp lực đến hạ tầng xã hội, gây tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, xâm lấn không gian công cộng, hạn chế quyền tiếp cận biển của người dân gây ra bức xúc xã hội. Các đô thị du lịch biển đang đối mặt với một số tồn tại:
Thứ nhất, sự phát triển quá mức các cơ sở lưu trú, ăn uống dọc theo các tuyến đường ven bờ biển. Hiện tượng “phân lô, bán nền” mặt tiền biển xuất phát từ tư duy tập trung cho kinh tế trước mắt, đã xảy ra ở hầu hết các địa phương. Hậu quả là không gian biển bị phá vỡ bởi hệ thống nhà cao tầng chắn ngang mặt biển, thiếu không gia công cộng, quyền sử dụng bãi biển của người dân ngày càng bị thu hẹp, thiếu luôn cả đường xuống biển phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân.
Thứ hai, một số nơi hình thành các khu vực nhà ở cao cấp, đóng kín, bờ biển bị tư nhân hóa tạo ra sự tương phản bất đối xứng với người dân gây ra mâu thuẫn xã hội giữa cộng đồng và các nhà đầu tư, đặc biệt là ở khu vực người dân bị thu hồi đất.
Thứ ba, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình bất động sản, đặc biệt là sự hình thành các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng “lai ghép” như căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự du lịch. Điều này dẫn tới hiện tượng quá tải về cấp điện, cấp nước sạch, ô nhiễm môi trường biển do nước thải xả trực tiếp ra biển. Vấn nạn tắc nghẽn giao thông đã xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn...
Cần các tiêu chí, tiêu chuẩn
Nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phải xác định được mô hình phát triển đô thị biển bền vững, vừa đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường và an ninh quốc phòng.
Theo đó, cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù, từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần ây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực; đồng thời bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống đô thị biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ngoài ra, cần thể chế hóa, có thể dưới dạng một Nghị quyết về “Phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển” ở cấp Bộ Chính trị/TW Đảng hoặc Chính phủ để tạo cơ chế chính sách đặc thù thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho quản lý đô thị biển đơn giản hơn, phát triển đô thị hiệu quả hơn và chất lượng đô thị cao hơn. Việc hình thành các chính quyền đô thị số ở các đô thị biển sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn, người dân cũng giảm được các thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chính quyền đô thị.
Có thể bạn quan tâm