1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.600.000 căn. Mục tiêu đề ra của các địa phương hoàn thành khoảng 1.800.000 căn.
>>> Thủ tướng: Phát triển nhà ở xã hội cần "nói đi đôi với làm"
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết số liệu tổng hợp về nhà ở từ hơn 40 địa phương, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,6 triệu căn hộ và mục tiêu hoàn thành cho giai đoạn này là khoảng 1,8 triệu căn.
Ở giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu).
Sang giai đoạn 2025-2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 1,1 triệu căn (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).
Đề án của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TPHCM xây 130.000 căn hộ, Hải Phòng xây 45.355 căn hộ, Đà Nẵng xây 19.60 căn hộ, Cần Thơ xây 12.715 căn hộ.
Các trung tâm công nghiệp của cả nước hiện nay cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm hàng trăm ngàn căn hộ mới cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó, Long An xây khoảng 310.000 căn hộ, Bắc Giang xây khoảng 285.143 căn hộ, Bắc Ninh xây 96.247 căn hộ, Bình Dương xây 84.000 căn hộ, Bình Phước xây 58.990 căn hộ, Hưng Yên 56.700 căn hộ.
Bộ Xây dựng cũng lý giải về nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thiếu quỹ đất sạch. Cụ thể, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020.
Nhiều địa phương chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định; Thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.
Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội
Để xây thêm cả triệu căn nhà ở xã hội trong những năm tới, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.
Đồng thời cần lập quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi trong chọn chủ đầu tư dự án, hoàn thiện các cơ chế ưu đãi của Nhà nước, tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang khi sửa Luật nhà ở để có cơ chế khuyến khích phát triển.
Về nguồn vốn thực hiện đề án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Bộ kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng quyết định phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để huy động vốn cho cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng khoảng 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Có thể bạn quan tâm