Công bằng trong tiếp cận đất đai: Sử dụng công cụ thị trường
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh, phân bổ nguồn lực đất đai hợp lý phục vụ yêu cầu phát triển, đảm bảo công bằng, nâng cao đời sống người dân.
>>> Tránh thất thoát nguồn lực đất đai
Đây là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với DĐDN về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bên hành lang Quốc hội.
- Mục tiêu hàng đầu của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phải đưa đất đai trở thành một trong những nguồn lực phát triển hàng đầu trong giai đoạn tới, thưa ông?
Mục tiêu đưa đất đai trở thành một nguồn lực phát triển quan trọng của kinh tế-xã hội trong vòng từ 10 đến 20 năm tới đã được Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đưa ra như một định hướng chiến lược.
Do đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này không chỉ giải quyết những bất cập hiện nay, mà có nhiệm vụ phải đưa đất đai trở thành một trong những nguồn lực chính, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, yêu cầu đầu tiên đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân bổ đất đai cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, chúng ta cần sử dụng nhiều hơn các công cụ thị trường để phân bổ nguồn lực đất đai vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối chiếu với Dự thảo hiện nay, tôi kỳ vọng bổ sung nhiều hơn các quy định để có được thị trường quyền sử dụng đất. Đặc biệt, thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp.
- Để có thị trường quyền sử dụng đất như vậy, trong bối cảnh hiện nay theo ông chúng ta phải làm gì?
Trước tiên, những công cụ hành chính trong thu hồi đất, giao đất, phân bổ đất phải được thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc tăng dư địa cho thị trường phát triển.
Tiếp đến để thị trường phát triển thì những cơ chế, cách thức giao dịch trên thị trường phải được bổ sung. Ví dụ, cơ chế góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cơ chế cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất, vấn đề về ngân hàng sử dụng đất… Tất cả cơ chế đó phải được thúc đẩy.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đa dạng hoá các công cụ, như cơ chế góp quyền sử dụng đất nhưng có thời hạn. Một người góp đất có thể nhận lại quyền sử dụng đất của mình sau thời hạn góp đất. Đối với việc cho thuê quyền sử dụng đất, sau khi người nhận cho thuê thì họ phải có đầy đủ các quyền, như quyền thế chấp, quyền liên doanh, liên kết, quyền cho thuê lại một cách dễ dàng…
Thực hiện tất cả những công cụ thị trường như vậy mới thúc đẩy cơ chế phân bổ quyền sử dụng đất. Còn nếu chỉ áp dụng hai công cụ hành chính là thu hồi và giao đất, hoặc bó hẹp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì sẽ không thúc đẩy cơ chế quyền sử dụng đất.
- Điều tra PCI của VCCI trong những năm gần đây cho thấy, việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp vẫn chưa công bằng, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, thưa ông?
Đúng vậy! Theo kết quả báo cáo của VCCI, trong tổng số các doanh nghiệp được điều tra PCI, có đến 50% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, như vậy cứ 2 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp gặp khó. Do vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung nhiều quy định để đa dạng hoá các phương thức, cách thức và tạo thuận lợi cho một thị trường quyền sử dụng đất phát triển một cách đầy đủ.
Như vậy, đây là một trong những nội dung nếu chúng ta giải quyết được thì kỳ vọng sẽ tạo ra sự tác động rất lớn, đúng như mục tiêu chúng ta mong muốn.
- Thưa ông, quy hoạch vẫn luôn là một trong những điểm nghẽn lớn, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có những quy định gì để giải tỏa điểm nghẽn này?
Thứ nhất là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xuyên suốt Dự thảo Luật Đất đai cũng như các luật có liên quan phải coi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để phân bổ đất và thực hiện các thủ tục về đất đai.
Thứ hai là chất lượng quy hoạch. Chất lượng tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là công cụ phân bổ hiệu quả, khoa học, thuận tiện hơn trong sản xuất kinh doanh.
Nếu quy hoạch, kế hoạch không hợp lý sẽ trở thành rào cản, điểm nghẽn phân bổ nguồn lực đất đai. Từ đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân và gây lãng phí nguồn lực.
Thứ ba là tương thích giữa các quy hoạch. Trong hệ thống quy hoạch đất đai được chia thành các cấp, bao gồm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp hành chính. Các quy hoạch được lập theo khung thời gian khác nhau. Cho nên, phải đảm bảo sự tương thích giữa các quy hoạch, cấp trên, cấp dưới, cấp ngang, cấp thời gian.
Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện như thế nào là sự tương thích giữa các quy hoạch. Không xác định được thì rất khó để điều chỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Cân bằng giữa giá đất và giá trị gia tăng từ đất
04:00, 03/11/2022
Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội
00:10, 01/11/2022
Rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Minh bạch trong thu hồi đất
01:00, 30/10/2022
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn
03:30, 13/10/2022
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”
03:50, 09/10/2022