Hướng tới quy hoạch đô thị tích hợp

PHƯƠNG UYÊN 30/11/2022 15:10

Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi.

>>> Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững

Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng B an Kinh tế Trung ương cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng Chương trình hành động. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan và các địa phương trong cả nước, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Chương trình hành động 148 của Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  như được nêu trong Nghị quyết 06.

Để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 148 của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần chú trọng đến một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể:

Một là, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị; cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.

>>>Hà Nội: Siết chặt điều chỉnh quy hoạch

Về phương thức thực hiện, cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bố trí nguồn lực tương xứng với công tác quy hoạch.

Hai là, về kết cấu hạ tầng đô thị, Nghị quyết 06 xác định mục tiêu tổng quát là “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”, đồng thời cũng yêu cầu “xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số”, “đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp”; “chú trọng ưu tiên quy hoạch hệ thống đường bộ, đường sắt hiện đại, phát triển hệ thống giao thông thủy phù hợp, bảo đảm thông suốt và liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Ba là, bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị.

Bốn là, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng đề xuất: Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch và phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, chương trình, dự án phát triển đô thị. Ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương và có sự tham gia xuyên suốt và hiệu quả của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm và hoà nhập không gian xã hội.

"Đây nên được coi là nguyên tắc nền tảng dẫn hướng cho việc soạn thảo, sửa đổi các Luật có liên quan trong giai đoạn sắp tới" - ông Chính khẳng định.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng lưu ý trong quá trình nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, đầu tư, tài chính, tổ chức chính quyền địa phương, lưu ý tới các quy định tăng khả năng tự chủ về quản trị và tài chính cho chính quyền đô thị địa phương; hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đối tác công tư PPP để có được thể chế hỗ trợ việc huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai vào công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững

    Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững

    11:30, 30/11/2022

  • Hướng tới mô hình liên kết siêu đô thị

    Hướng tới mô hình liên kết siêu đô thị "3 cực tam giác tăng trưởng" phía Bắc

    13:29, 27/11/2022

  • Rác thải ở siêu đô thị Hà Nội

    Rác thải ở siêu đô thị Hà Nội

    03:00, 25/11/2022

  • Tiền Giang phát triển đô thị

    Tiền Giang phát triển đô thị

    16:07, 19/11/2022

PHƯƠNG UYÊN