Tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường bất động sản

NGÂN GIANG 17/12/2022 00:30

Các chuyên gia đề xuất thí điểm một số công cụ tài chính mới như quỹ tín dụng khai thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở… để tránh lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tính dụng ngân hàng.

>>Doanh nghiệp BĐS tung giải pháp đột phá đón làn sóng mới

Mới đây, Đại hội Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lần thứ 4 nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã chính thức bầu Ban chấp hành mới. Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 29 người, trong đó có 1 Chủ tịch là ông Lê Hoàng Châu, 9 Phó Chủ tịch, 18 ủy viên thường vụ và 1 trưởng ban kiểm tra hiệp hội.

Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội

Ông Lê Hoàng Châu tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Báo cáo tại Đại hội, chiều 16/12/2022, ông Lê Hoàng Châu cho biết trong 5 năm qua (2017-2021), HoREA đã có tới 380 văn bản đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản gửi tới Chính phủ, các Bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và nhiều các cơ quan ban ngành, địa phương.

Các văn bản đề xuất, kiến nghị của HoREA đã được các Bộ ngành, địa phương lắng nghe giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục, pháp lý cho hàng trăm dự án bất động sản, hỗ trợ cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp hội viên HoREA đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện như xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các đơn vị quân đội, công an, chính quyền địa phương chăm lo cho đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, bị thiên tai bão lũ với tổng giá trị hơn 500 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong 3 năm phòng chống đại dịch COVID-19, các tập đoàn, doanh nghiệp hội viên HoREA đã tham gia lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và hỗ trợ tài chính , lương thực, thực phẩm, vaccine, thuốc chữa bệnh với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng như tập đoàn Vingroup, Hưng Thịnh, Nam Long, Novaland, Phúc Khang, Hoà Bình, Lê Thành, CT group, Sơn Kim Land, Vietcomreal…

Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm có 29 người, trong đó có 1 Chủ tịch là Ông Lê Hoàng Châu, 9 phó chủ tịch, 18 ủy viên thường vụ và 1 trưởng ban kiểm tra hiệp hộ

HoREA ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 29 người

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Ở phần kiến nghị với các cơ quan chức năng, ông Châu cho biết, trong 5 năm tới, hiệp hội sẽ tiếp tục thể hiện vai trò phản biện xã hội bằng việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn lớn trong thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.

Cũng theo ông Châu, tuy nhiên, để lĩnh vực BĐS phục hồi nhanh hơn, HoREA đề nghị TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét thí điểm một số công cụ tài chính bất động sản mới như phát triển quỹ tín dụng khai thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở… để tránh lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tính dụng từ các ngân hàng.

Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian vừa qua, ông Lê Hoàng Châu thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) tuy đã có dấu hiệu dần phục hồi với nguồn cung 11.600 căn nhà, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhìn tổng thể, thị trường BĐS đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi sức mua sụt giảm khiến tính thanh khoản của thị trường và các chủ đầu tư cũng giảm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu vốn lưu động nên một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giãn tiến độ đầu tư, giảm nhân sự.

Trong thời gian qua, chủ đầu tư, người mua nhà lẫn nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, vay được thì phải chịu lãi suất vay cao hơn. Các chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hơn trước, khó huy động nguồn vốn khách hàng.

Ông Châu cho biết, theo lộ trình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024 nên trong gần 2 năm tới, hàng trăm dự án nhà ở thương mại vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn.

Do vậy, HoREA kỳ vọng đến năm 2023, Trung ương sẽ hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, là giải pháp có tính quyết định nhất để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường BĐS toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, cho giãn tiến độ thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn thêm 24 tháng và cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thỏa thuận với nhà đầu tư mua trái phiếu để hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu, sản phẩm BĐS, nhà ở hoặc tài sản khác – ông Châu đề nghị.

>>HoREA đề nghị tháo gỡ 6 vấn đề giảm rủi ro cho doanh nghiệp bất động sản

Tránh lệ thuộc nguồn vốn tín dụng

Phát biểu tại đại hội, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, lãnh đạo TP luôn đánh giá cao sự đóng góp của HoREA, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của TP. Bên cạnh đó, HoREA có nhiều góp ý, kiến nghị thiết thực, đặc biệt là góp ý vào các dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi…

vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay tập trung ở các quy định pháp luật nhưng thuộc phạm vi của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương, như: việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, cơ chế giáo đất - cho thuê đất…

Vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp bất động sản tập trung ở các quy định pháp luật 

Theo ông Quân, TP nhận thấy vướng mắc khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải vì bất cập của quy định pháp luật hiện hành. TP cũng tập trung chỉ đạo các sở ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì qua đó cũng tạo nguồn thu, kích thích tăng trưởng kinh tế cho TP.

Nhận định về những tồn tại và khó khăn của các doanh nghiệp BĐS, ông Quân cho rằng, vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay tập trung ở các quy định pháp luật nhưng thuộc phạm vi của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương, như: việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, cơ chế giáo đất - cho thuê đất… việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

“Qua rà soát, các khó khăn vướng mắc các dự án trên địa bàn TP.HCM hiện nay có thể chia làm 3 nhóm: nhóm không thể tháo gỡ được, nhóm có thể tháo gỡ được, nhóm phải tập hợp hồ sơ báo cáo lên cơ quan cấp trên để tháo gỡ những điểm nghẽn” - ông Quân nói.

Do đó, để sớm tháo gỡ các khó khăn, TP đề nghị HoREA cần bóc tách các kiến nghị đề xuất, phải xác định được thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm cụ thể của các sở ngành có liên quan. Tổng hợp, phân loại các loại vướng mắc, kiến nghị cụ thể và có phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật của từng vụ việc để đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành tích cực trong cải cách hành chính, tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư xây dựng nhà ở, đất đai, góp phần phát triển thị trường BĐS, trong đó tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể về đất đai, quy hoạch, xây dựng, tài chính…

“TP.HCM đã tạo một quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng của TP. Góp phần khắc phục khó khăn của chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. TP cũng kiến nghị và đề xuất với Chính phủ thay đổi các quy định về vốn chủ sở hữu, vốn pháp định đối với các chủ đầu tư dự án BĐS nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực tài chính đầu tư phát triển dự án BĐS” – ông Quân nói.

Ông Quân đề nghị, các sở ngành liên quan phối hợp với HoREA, kiến nghị Chính phủ xem xét thí điểm một số công cụ tài chính BĐS mới như phát triển quỹ tín dụng khai thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở… để tránh lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tính dụng từ các ngân hàng.

Đáng chú ý, góp ý tại Đại hội, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin: liên quan Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, trong tuần tới, Bộ sẽ chuyển sang Bộ Tư pháp làm cơ sở, sang năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hộ để trình ban hành.

Theo ông Hải, “đây là 2 bộ Luật rất quan trọng liên quan lĩnh vực BĐS mà rất nhiều cơ chế, nội dung cần được tháo gỡ. Một số nội dung liên quan đến nhiều luật khác, ngành khác mà Bộ Xây dựng quản lý, đặc biệt là nhà ở xã hội có thể được tháo gỡ, giúp phát triển lĩnh vực bất động sản bền vững hơn” - ông Hoàng Hải nói. 

Cũng theo ông Hải, hiện Cục cũng đang biên soạn Nghị định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở. Theo ông Hải, nhà đầu tư chỉ cần 1 nghị định này, được quy định chi tiết, sẽ hiểu trình tự thủ tục cách làm. Cơ quan nhà nước khi căn cứ vào đó sẽ dễ giám sát, kiểm tra.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp BĐS tung giải pháp đột phá đón làn sóng mới

    09:42, 28/11/2022

  • Hợp tác đầu tư BĐS: Từ tự phát tới mô hình chuyên nghiệp của VMI

    10:40, 15/12/2022

  • Vincom Retail - Từ chinh phục ‘bán lẻ dưới lòng đất’ đến dẫn dắt ngành BĐS bán lẻ Việt Nam

    17:43, 24/11/2022

  • Nhà đầu tư BĐS luôn có cơ hội trong mọi điều kiện của thị trường

    14:03, 24/11/2022

  • Cổ phiếu BĐS tắt thanh khoản- Công ty Chứng khoán liên tục bán giải chấp hạ tỷ lệ ký quỹ?

    05:29, 12/11/2022

NGÂN GIANG