Gỡ vướng thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Cho đến nay, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận chưa hấp dẫn nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
>>Thị trường bất động sản 1 năm nhìn lại: Đầy biến động và niềm tin khởi sắc
Mới đây, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang xung quanh vấn đề khơi thông điểm nghẽn cho nhà ở xã hội. Nhiều cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ Ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên.
Trả lời về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian vừa qua đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...
Song, dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận... chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, những nội dung này cũng đã được Thủ tướng chỉ ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8/2022. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại Đề án Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó liên quan đến nhà ở xã hội, mới đây Sở Xây dựng TPHCM có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại. Trong đó, TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng cần hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư.
Sở này cũng kiến nghị Bộ nghiên cứu trình Chính phủ đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bởi thực tế hiện nay, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội phức tạp hơn so với thủ tục cho dự án nhà ở thương mại.
Đồng thời, Sở này cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận UBND TPHCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội cho các dự án nhà ở thương mại từ 2-10 héc-ta. Theo đó, chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền tương đương giá trị 20% đất của dự án, có thể xây dựng nhà ở xã hội trên 20% đất dự án hoặc có thể bàn giao quỹ nhà tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Có thể bạn quan tâm