Đô thị nhân văn
Chúng ta có nhiều văn bản quy định về quản lý kiến trúc đô thị, nhưng lại không có những văn bản nào đưa ra những nguyên tắc về phát triển, quy hoạch đô thị để cải thiện sức khỏe con người.
>>>Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững
Nói cách khác, chúng ta mải mê kiến tạo những đô thị “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà phần nào quên mất mục tiêu khởi nguyên của đô thị là giúp con người sống tốt hơn. Như vậy, đánh giá tác động sức khỏe lên cư dân đô thị nên được sử dụng để đánh giá các dự án và xác định các kịch bản phát triển đô thị.
Cách nhìn mới về kiến trúc
Đại dịch COVID-19 cũng đã khiến xã hội càng chú ý hơn đến các đối tượng dễ bị tổn thương khi những tác động về mặt sức khỏe và kinh tế đối với nhóm dân cư này là tiêu cực nhất. Và khi lưu thông đô thị bị gián đoạn, họ đã không thể ra đường để tự kiếm sống mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền. Một nền kinh tế đa dạng và linh hoạt sẽ là cần thiết cho các đô thị để giảm thiểu thiệt hại về sinh kế.
Đại dịch cũng khiến con người xem xét lại cấu trúc các đô thị để từ đó rút ra được cách “làm đô thị” nào là hiệu quả. Các chuyên gia một mặt nhận ra sự gần gũi và mật độ dân cư cao rõ ràng là một nguồn cơn gây ra sự lây lan dịch bệnh, kéo theo những tác động tàn phá lớn đến sức khỏe, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu xã hội đô thị, nhưng mặt khác lại thấy rằng đô thị nén gọn cũng mang đến những tích cực nhất định trong việc giúp con người phòng chống hiệu quả, đồng thời đảm bảo cung ứng các dịch cụ cho các nhu cầu đời sống bình thường trong một phạm vi không gian xác định dựa trên khả năng tại chỗ trong việc tự cung, tự cấp của cộng đồng.
Giao thông công cộng luôn cần cho các đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn. Tuy nhiên, đại dịch lại cho thấy các phương tiện giao thông công cộng trở thành tác nhân tiêu cực trong việc lan truyền dịch bệnh và việc phải di chuyển chung đã khiến cư dân đô thị e ngại bởi những lý do về sức khỏe và an toàn.
Vấn đề đặt ra của các đô thị trên thế giới hậu Covid-19 là làm sao giải quyết vấn đề di chuyển cá nhân mà không bùng nổ phương tiện cá nhân trong tương lai, không phá vỡ cấu trúc đô thị vốn đã định hình dựa trên hệ thống giao thông công cộng?
Những mô hình đô thị mới đang được đề xuất dựa trên khả năng của bản thân mỗi người lẫn kết hợp hỗ trợ nhau để tạo thành những cộng đồng tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống giao thông cơ giới vốn phổ biến khi đô thị “bình thường” nhưng lại gián đoạn khi đô thị khủng hoảng.
>>>Siết chặt điều chỉnh quy hoạch
“Thành phố nén” - Compact city - dựa trên sự tập trung dân cư, “Thành phố 15 phút” - 15-minute city - dựa trên việc tối đa hóa dịch vụ tiện ích trong khoảng 15 phút di chuyển không bằng phương tiện giao thông cơ giới, “Thành phố siêu khối” - Superblocks city - dựa trên mạng lưới các khối không gian độc lập trong thành phố, “Thành phố không ô tô” - Car-free city - dựa trên việc phi cơ giới hóa sự di chuyển của con người... là những mô hình, hay nói đúng hơn là những quan điểm mới về các đô thị sau tất cả những biến cố vừa qua để giúp cho các thành phố trở nên khỏe mạnh hơn.
Đô thị kết nối
Tuy nhiên, nếu quy mô thành phố cùng các dịch vụ đời sống cần nén lại thì người ta lại mong muốn kiến trúc đô thị cởi mở hơn với những không gian xanh kế cận, tránh việc gói gọn trong bốn bức tường để giúp không gian sống của con người không bị giới hạn về tâm lý, đồng thời hướng đến sống xanh nhằm mang lại những cải thiện về sức khỏe tâm thần.
Sự mở cửa kiến trúc làm tăng khả năng kết nối con người với con người, giải phóng con người khỏi những uẩn ức, đứt gãy về mặt xã hội cũng như với thiên nhiên trong những thời gian đô thị phải đóng cửa để kiểm soát khủng hoảng.
Trước đại dịch, chúng ta vẫn so sánh Việt Nam với thế giới và phần nào có những tự ti về các đô thị của chúng ta. Tuy nhiên, sau đại dịch, chúng ta đã có thể tự tin hơn không chỉ về khả năng ứng phó linh hoạt, mềm dẻo của người Việt Nam trước những biến cố mà cả về những cách làm đô thị của chúng ta cũng phần nào cho thấy hiệu quả ứng phó dịch bệnh.
Sự hỗn hợp dân cư với tinh thần tương trợ cộng đồng và sự đa dạng các dịch vụ tiện ích trong những khu vực đô thị đã phần nào đáp ứng tại chỗ các nhu cầu thiết yếu của người dân. Thực tế cho thấy, những khu dân cư đô thị đã nhanh chóng phục hồi các hoạt động về trạng thái như trước khi xảy ra đại dịch. Điều này chứng tỏ những cách “làm đô thị” tưởng chừng là tự phát nhưng vẫn đạt một hiệu quả nhất định.
“Sau cơn mưa, trời lại sáng” - một câu nói phổ biến tương ứng với các đô thị Việt hiện nay. Người dân lại hối hả trở lại với guồng quay cuộc sống. Điều này một mặt cho thấy sức sống mãnh liệt của đô thị Việt, nhưng mặt khác một nguy cơ mới xuất hiện khi chúng ta lại tạm quên giải quyết triệt để những vấn đề đô thị đã đặt ra trong thời gian khủng hoảng.
Bên cạnh những hân hoan về trạng thái bình thường mới được thiết lập, chúng ta cũng cần ý thức về những bất ổn vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai, để từ đó có những giải pháp mang tính dài hạn nhằm đưa các đô thị về trạng thái cân bằng bền vững dựa trên những nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân thông qua những không gian kiến trúc đô thị đầy tính nhân văn.
(*) Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Có thể bạn quan tâm