Đề xuất giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án có phù hợp?
Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho tòa án nhân dân giải quyết đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
>>Tăng nguồn cung căn hộ vừa túi tiền
Tại Điều 225 dự thảo mới nhất của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết, còn UBND có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp hồ sơ. Quy định này có thay đổi so với Luật Đất đai 2013 hiện hành, theo đó cả UBND và toà án đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.
Chia sẻ tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, LS Nguyễn Văn Hậu - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Nghị quyết 18/2022 của Trung ương về đất đai nêu rõ phương châm "giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương". Theo đó, vị luật sư cho rằng điều 225 dự thảo đã thu hẹp bớt quyền của người dân, bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.
Theo ông Hậu, vốn dĩ đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án nhân dân sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết. Mặt khác, hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính, do đó, giao quyền UBND, thủ tục cũng đơn giản hơn và người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra toà.
Trong khi đó, ở góc nhìn ngược lại, LS Tô Văn Trung cho rằng để UBND tham gia giải quyết tranh chấp, thuận lợi là vấn đề được giải quyết nhanh hơn và có thể cấp luôn sổ hồng cho dân. Tuy nhiên, nếu UBND không thể giải quyết thì sự việc vẫn phải đưa ra toà.
>>> Hài hòa lợi ích quyền sử dụng đất
Bên cạnh đó, việc xử ở toà án sẽ tạo điều kiện để dân đối thoại trực tiếp với người ra quyết định hành chính. Toà cũng có luật hoà giải nên khi hai bên có chung tiếng nói có thể rút ngắn thời gian giải quyết.
Ông Trung cũng cho biết, ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Ý, Đức, Phần Lan, Thái Lan các vụ khiếu nại đất đai đều do toà án phân xử. "Do đó, bỏ khiếu nại qua UBND các cấp là phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế", ông Trung kiến nghị.
Đồng quan điểm, dưới góc độ chính quyền, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Trần Văn Bảy cũng cho rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của tư pháp, không phải hành chính.
Theo ông Bảy, toà án hiện có quy trình "tiền tố tụng" có hiệu quả là kênh hoà giải và đối thoại. Do đó, không lo chuyện TAND xử lý thì không nắm vấn đề quản lý về đất đai, bởi hệ thống hồ sơ, dữ liệu đất đai đã được cải thiện nhiều so với trước đây.
“Chúng ta phải xuất phát từ nguyên lý tổ chức bộ máy Nhà nước để phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan để tính toán giao cho ai giải quyết cho "tâm phục, khẩu phục", đặc biệt là khiếu kiện" – ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4, diễn ra vào tháng 10/2022 và được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Quốc hội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo luật này từ 3/1 đến hết 15/3. |
Có thể bạn quan tâm
Xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Có thể làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ
16:11, 07/02/2023
Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi
01:00, 04/01/2023
LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Chuẩn hóa khái niệm “người sử dụng đất”
03:00, 21/11/2022
Luật Đất đai (sửa đổi) có hạn chế được tiêu cực?
03:38, 15/11/2022