HoREA: Kiến nghị ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu
Cơ chế này cùng với Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và các “trái chủ”, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh.
>>"Rã băng" trái phiếu bất động sản
Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP.
Dự thảo có nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ; trích lập dự phòng rủi ro và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng được các tổ chức tín dụng và tất cả các khách hàng của các tổ chức tín dụng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà mong ngóng, chờ đợi.
Do yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành (Dự thảo) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, HoREA nhận thấy, các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, nhưng lại không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Nguyên nhân do “vướng” quy tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Điều này tạo nên độ “vênh”, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp.
Do đó, HoREA đề nghị bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4, không cấm “Tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành”.
Không những vậy, quy định tại dự thảo yêu cầu tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác, cũng có độ “vênh”, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
>>TP.HCM: Thủ Đức đề xuất đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng làm 6 tuyến đường kết nối
Bởi việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư, mà để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư thì trong đó có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác, nên rất cần thiết bỏ quy định trên trong dự thảo.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị “Dự thảo" cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và “trái chủ” được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được xem xét từng trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 “Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và có tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các “trái chủ”.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Cuối cùng, Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại được xem xét từng trường hợp cụ thể cho các “trái chủ” đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 “Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” được vay tín dụng để đầu tư kinh doanh và được thế chấp bằng trái phiếu với giá trị khoản vay tối đa không vượt quá 70% giá trị trái phiếu.
HoREA nhận thấy, nếu có cơ chế, chính sách trên đây thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và các “trái chủ” và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Có thể bạn quan tâm