Không để khu đô thị “quên” xây trường học

DIỆU HOA 11/05/2023 15:00

Mức xử phạt thấp hơn nhiều so với lợi nhuận xây dựng dự án, để “trị bệnh quên” xây trường học ở các khu đô thị. Thực tế này đỏi hỏi có những công cụ mạnh mẽ và giám sát chặt chẽ hơn.

>>>Tạo đột phá trong đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững

Nhằm trị căn bệnh các khu đô thị “bỏ quên trường học”, TP Hà Nội có chủ trương với các dự án mới sẽ yêu cầu nhà đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học trước khi xây nhà.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi cùng TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.

- Dù đã có quy định cụ thể trong Luật Xây dựng, nhưng những năm qua vấn đề các dự án khu đô thị không xây dựng trường học vẫn là bài toán nhức nhối ở Hà Nội và cả các tỉnh thành khác, thưa ông?

Tại các địa phương, việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp chưa đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp.
Nguyên nhân do quá trình chuẩn bị lập dự án và hồ sơ phê duyệt dự án còn có sự buông lỏng, khi phát hiện vi phạm, công tác xử lý còn lỏng lẻo.

Mặc dù Chính phủ đã có quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng và TP. Hà Nội đã cụ thể hóa các quy định, nhưng trách nhiệm xử lý và giám sát vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đôi khi đơn vị chịu trách nhiệm, kể cả chính quyền địa phương thấy vấn đề sai phạm, song chưa được phân cấp thẩm quyền xử lý nên việc xử phạt rất khó khăn.

Trong khi đó, về phía các chủ đầu tư, một số doanh nghiệp có tâm lý những gì tạo ra lợi nhuận cao sẽ được ưu tiên làm trước, những gì tạo ra lợi nhuận thấp hoặc không tạo ra lợi nhuận thì chủ đầu không muốn làm.

Điều đó dẫn đến tình trạng tiến độ xây dựng trường học ở các khu đô thị, các khu chung cư đều có tốc độ “rùa bò”.

Cũng có trường hợp Nhà nước tham gia đầu tư, chủ đầu tư xây nhà thương mại, Nhà nước đầu tư trường, do đó có sự chênh lệch, chậm trễ về thời gian giữa đầu tư tư nhân và đầu tư nguồn vốn Ngân sách nhà nước.

Hay trong phê duyệt dự án đầu tư xây dựng không ghi rõ đó là trường công hay trường tư dẫn đến không xác định được chủ đầu tư. Thậm chí, trong quá trình thực hiện, có thể chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phân khu, bỏ phần nọ, tăng phần kia để làm việc khác nên “vô tình” trường học lại bị bỏ quên”.

- Vậy, trách nhiệm trên thuộc về ai, thưa ông?

Việc nhiều Khu đô thị thiếu trường học, lỗi đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án. Nhưng mặt khác, cũng cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, cơ quan quản lý và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát.

Với cơ chế hiện nay, ngành Giáo dục không can thiệp được vào tiến độ của các dự án mà trách nhiệm thuộc UBND thành phố. Việc tổ chức quy hoạch không đúng, giám sát lỏng lẻo là trách nhiệm của cơ quan chức năng.

 Lô TH1 được quy hoạch xây trường học ở gần Khu đô thị tây nam Linh Đàm, P.Hoàng Liệt rộng khoảng 1,19 ha bị chủ đầu tư bỏ hoang. Ảnh: Thành Trung

Lô TH1 được quy hoạch xây trường học ở gần Khu đô thị tây nam Linh Đàm, P.Hoàng Liệt rộng khoảng 1,19 ha bị chủ đầu tư bỏ hoang. Ảnh: Thành Trung

- Để “trị” triệt để căn bệnh này cũng như góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường học, liệu giải pháp xây trường học trước khi xây nhà như chủ trương của Hà Nội có khả thi, thưa ông?

Đây là một chủ trương tốt, tuy nhiên để thực hiện là khó, các dự án có các giai đoạn đầu tư, còn tùy thuộc vào thủ tục pháp lý, đề xuất từ doanh nghiệp.

Giải pháp hữu hiệu là có công cụ giám sát và chế tài đủ mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng chậm triển khai hạ tầng cơ sở tại các khu đô thị, khu chung cư mới.

Các quy định có thể như: Quy định chủ đầu tư phải ký quỹ bằng tiền, đảm bảo thực hiện hạng mục cơ sở giáo dục, dạy nghề sẽ được giải ngân khi thi công xong công trình; thắt chặt khâu kiểm duyệt đối với nguồn vốn thực hiện dự án; quy định về hình thức xử phạt chủ đầu tư nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, cần phải truy xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án cho tới kiểm tra, giám sát triển khai, bởi đây là vấn đề về tổ chức thi hành pháp luật, không phải vấn đề của các quy định pháp luật.

Về phía người mua nhà cũng cần lưu ý đến các tiện ích, cảnh quan, hạ tầng đồng bộ của dự án đó, trong đó có trường học. Yêu cầu các chủ đầu tư triển khai các công trình hạ tầng giáo dục nếu chủ đầu tư chây ì, bỏ quên. Trong hợp đồng mua bán, bên cạnh thời hạn bàn giao nhà, phải xem xét cả thời hạn hoàn thành các hạng mục hạ tầng của dự án.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Gần 400 dự án khu đô thị, chung cư lọt tầm ngắm thanh tra môi trường

    Hà Nội: Gần 400 dự án khu đô thị, chung cư lọt tầm ngắm thanh tra môi trường

    14:08, 14/04/2023

  • Hoang tàn tại khu đô thị quốc tế Đa Phước

    Hoang tàn tại khu đô thị quốc tế Đa Phước

    04:11, 04/04/2023

  • Yếu tố tạo nên điểm nhấn của khu đô thị Phúc An Ashita tại Bàu Bàng

    Yếu tố tạo nên điểm nhấn của khu đô thị Phúc An Ashita tại Bàu Bàng

    11:49, 30/03/2023

DIỆU HOA