Động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô
Theo các chuyên gia, thành phố trực thuộc Thủ đô, đô thị vệ tinh sẽ là những cực tăng trưởng mới, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn.
>>“Trả lại” không gian xanh cho Thủ đô
Mới đây, tại Quyết định 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã xác định Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo hướng thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.
Theo đó, Hà Nội tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Đừng chỉ là "đổi tên gọi"
Trao đổi với DĐDN, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý.
Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Ngoài ra, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, thân thiện với người dân; cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các thành phố mới.
Ở khía cạnh khác, KTS Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp.
Để làm được điều đó, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành. Theo ông Tùng, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), nhưng các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.
"Hà Nội cần lưu ý đến quy hoạch phải lường trước nguồn lực để đầu tư. Tránh việc “vẽ xong rồi để đấy”. Để khi người dân đã di dời khỏi nội thành nhưng vẫn phải tập trung về đây để làm việc. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở" - vị chuyên gia nhấn mạnh.
>>Đề xuất sửa 3 phương pháp định giá đất
Cần những động lực mạnh mẽ
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình thành phố trong Thủ đô và đô thị vệ tinh trong lần điều chỉnh quy hoạch này cần có cách tiếp cận đồng bộ từ các chỉ tiêu để công nhận, với giải pháp có tính thực tiễn cao. Trong câu chuyện này, Hà Nội phải có sự quyết tâm và kết nối giữa các sở ban ngành chứ không phải mạnh ai nấy làm, lợi ích ngành, lợi ích nhóm, tránh việc trở thành nguồn cơn gây ra sốt đất.
Trao đổi với PV, TS KTS Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, sau một thập kỷ 2011-2020 thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2011, với tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ hiện nay của Hà Nội, những yêu cầu mới về quy hoạch Thủ đô Hà Nội lại được đặt ra.
Để thực hiện được các mục tiêu quan trọng trên, Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới thay vì chỉ ở quy mô quốc gia như hiện nay.
Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thành phố đặc biệt và các đô thị vệ tinh này.
Dưới góc độ quy hoạch, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, việc sửa đổi, điều chỉnh và cập nhật Luật Thủ đô cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị.
"Trong tương lai, Hà Nội phải là một đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, và quan trọng nhất là tạo hiệu ứng lan toả, xứng đáng với vị thế của một thành phố lịch sử. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có sự chuyển biến rõ nét và mạnh mẽ hơn ngay từ trong chính khung pháp lý cho riêng đô thị này mà các đô thị khác không có - Luật Thủ đô" - ông Tùng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
20:51, 16/06/2023
Cần chính sách phát triển doanh nghiệp Thủ đô
18:00, 23/05/2023
“Trả lại” không gian xanh cho Thủ đô
17:29, 23/05/2023
Hà Nội quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc tế
11:58, 16/05/2023