Quảng Nam xem xét điều chỉnh tiến độ các dự án quá 24 tháng
Tỉnh Quảng Nam giao các đơn vị liên quan xem xét giải quyết việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư trước công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
>>Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát đi công văn số 4245/BKHĐT-KTCNDV về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay việc điều chỉnh tiến độ dự án đã thực hiện trước ngày Luật đầu tư có hiệu lực được quy định tại khoản 4 Điều 117 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Theo đó, dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được điều chỉnh tiến độ thực hiện không quá 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ cuối cùng tại văn bản lần đầu quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 4 Điều 41 của Luật Đầu tư. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Đầu tư.
“Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát các hồ sơ, tài liệu, đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan về việc chậm tiến độ thực hiện của các dự án, tình hình triển khai thực tế của các dự án cũng như đề xuất của nhà đầu tư (nếu có), đối chiếu với các quy định tại khoản 4 Điểu 41 Luật Đầu tư để có cơ sở xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án quả 24 tháng đối với các dự án, trong đó có các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp”, công văn do Thứ trưởng Đỗ Thành Trung ký nêu rõ.
Cũng tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Sau khi tiếp nhận công văn, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ căn cứ hướng dẫn, đối chiếu các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư và các pháp luật khác liên quan để triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh giải quyết việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.
Liên quan đến tiến độ dự án, vừa qua Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã có những kiến nghị để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn. Theo ý kiến tổng hợp của đơn vị, thời gian thụ lý hồ sơ, tham gia góp ý của các ngành có liên quan kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Trong đó bao gồm cả khoảng thời gian để Hội đồng thẩm định điều chỉnh quy hoạch dự án đối với công tác lập điều chỉnh quy hoạch của dự án, các sở chuyên môn trong công tác gia hạn tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án,...
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cho rằng trong thủ tục gia hạn tiến độ cho các dự án, có nhiều dự án việc gia hạn tiến độ đã được các chủ đầu tư thực hiện từ rất lâu, nhưng các cơ quan chuyên môn thực hiện trong một thời gian dài. Việc thực hiện gia hạn dự án quá lâu nên khi có được văn bản gia hạn tiến độ thì chủ đầu tư đã bị mất vài tháng trong thời gian xin gia hạn, loay hoay lại phải tiếp tục xin gia hạn mới.
Ông Trần Quốc Bảo, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng kế hoạch sử dụng đất năm 2023 một số dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng chưa được bổ sung, nguyên nhân cũng xuất phát từ thủ tục gia hạn tiến độ. Theo vị này, quy định hiện nay thì kế hoạch sử dụng đất chỉ được đăng ký khi dự án được gia hạn tiến độ trong khi số lượng kỳ họp của HĐND để xem xét bổ sung kế hoạch sử dụng đất rất hạn chế, việc thủ tục gia hạn tiến độ bị kéo dài gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư trong việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
“Cần phải có cơ chế phối hợp giữa các sở ban ngành địa phương, rút ngắn thời gian trong công tác xác định giá đất, gia hạn tiến độ dự án, điều chỉnh cục bộ dự án 1/500, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, hạn chế lấy ý kiến quá nhiều (nhất là những ngành không liên quan). Việc này làm ảnh hưởng chậm đến công tác xác định giá đất, điều chỉnh và gia hạn dự án”, ông Trần Quốc Bảo nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm