Nhiều dự án vướng quy hoạch ngầm: Nhà đầu tư bị động
Vướng mắc quy hoạch tổng thể ngầm và khó khăn về tài chính khiến nhiều dự án tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.
>>> Cụ thể hóa “quyền bề mặt” trong Luật Đất đai sửa đổi
Dự án Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1) do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư đang gặp vướng mắc về không gian ngầm.
Nhà đầu tư bị động
Sau khi hoàn tất thủ tục thẩm định thiết kế, xin phép xây dựng, công trình phải làm lại thiết kế do có một phần nằm trong phạm vi dự án Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Thay đổi này khiến nhà đầu tư bị động vì trong quá trình triển khai chưa từng được thông báo dự án bị hướng tuyến metro tác động.
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, đại diện chủ đầu tư dự án này cho biết, dự án bị đình trệ liên quan việc điều chỉnh quy hoạch. Năm 2016, dự án xong phần thiết kế, chuẩn bị khởi công thì phải điều chỉnh do vướng ranh Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Tuy nhiên quá trình điều chỉnh, dự án bị yêu cầu thay đổi chức năng tầng trên mặt đất. Việc này làm bản chất quy hoạch được duyệt trước đó, ảnh hưởng nhiều đầu việc khác, phát sinh chi phí...
Cũng gặp vướng mắc trong quy hoạch ngầm là Dự án bãi xe ngầm công viên Tao Đàn với tổng đầu tư 1.055 tỷ đồng, gồm một trệt và bốn tầng ngầm đáp ứng gần 1.200 ôtô, 900 xe máy. Dự án sân vận động Hoa Lư vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng với 5 tầng ngầm phục vụ thương mại và bãi đậu hơn 2.500 ôtô, 2.873 xe máy cũng trong trạng thái án binh bất động do vướng mắc quy hoạch không gian ngầm ở khu trung tâm chưa hoàn thiện.
Trường đua Phú Thọ (quận 11) có diện tích 444.540 m2, quy hoạch không gian ngầm làm bãi đậu xe, khu thương mại dịch vụ. Khi Dự án chuẩn bị triển khai các công trình ngầm, thì bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến việc kết nối với các công trình ngầm xung quanh, như nhà ga Tuyến metro số 5.
>>> Luật Đất đai sửa đổi: Cần thiết định giá đất độc lập
Việc xây dựng không gian ngầm tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do nội dung quy hoạch chỉ ở mức sơ bộ, có nhiều thiếu sót. Điển hình, thiếu sót về công tác dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị. Thứ hai, thiếu về quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm. Thứ ba, thiếu trong việc xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm. Thứ tư, không có quy định về kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng cho rằng việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, chưa có địa phương nào triển khai thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể, cũng như thiếu phương pháp về lập nội dung quy hoạch, nội dung quy hoạch ngầm còn chưa rõ ràng, cụ thể.
Mặt khác, TP.HCM chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu. Bên cạnh đó, nguồn lực cho việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch... còn nhiều hạn chế.
Hoàn thiện pháp lý không gian ngầm
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm như xây dựng Luật về Quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn Luật; Luật Dân sự liên quan đến sở hữu tài sản; Luật Đường sắt liên quan đến phạm vị bảo vệ và hành lang an toàn; sửa đổi một số Nghị định và Thông tư hướng dẫn có liên quan. Từ đó, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm…
Ông Phan Hữu Duy Quốc, nguyên Phó Trưởng đại diện Tập đoàn Xây dựng Shimizu (Nhật Bản) nhấn mạnh, việc cấp thiết hiện nay là xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng và sử dụng không gian ngầm đô thị. Trong đó, cần làm rõ sở hữu về không gian ngầm, tương tự như đang làm với quyền sử dụng đất đai. Đặc biệt, cần có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy việc sử dụng không gian ngầm đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là cho các công trình công cộng.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần cơ chế pháp lý để quản lý, khai thác không gian ngầm
12:00, 22/06/2023
Hoàn thiện pháp lý không gian ngầm
05:00, 04/06/2022
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Cần bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các đô thị lớn
18:12, 30/05/2022
Hành lang pháp lý cho không gian ngầm: Muộn còn hơn không
00:00, 25/04/2022